.
DIỄN VIÊN ĐOÀN CA MÚA NHẠC:

NHỮNG TRĂN TRỞ SAU SÀN DIỄN

Cập nhật: 10:06, 11/06/2005 (GMT+7)
Đoàn ca múa nhạc biểu diễn phục vụ Hội báo Xuân 2005

Trong những năm gần đây, đoàn ca múa nhạc (CMN) của tỉnh đã gặt hái được khá nhiều thành công tại các kỳ liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Có được điều này, sự đóng góp của các ca sĩ, diễn viên của đoàn là điều không thể thiếu. Thế nhưng, phía sau những thành công, sau ánh hào quang ấy là bao trăn trở với những lo toan, vất vả đời thường, trăn trở cùng câu hỏi làm sao để vừa ổn định cuộc sống, vừa có thể cống hiến hết mình cho sự phát triển của đoàn...

PHÍA SAU SÀN DIỄN

Rời ánh đèn sân khấu, những thành công rực rỡ, những nghệ sĩ của đoàn trở về cuộc sống với những lo toan của cuộc sống. Ít ai nghĩ rằng, đằng sau sự hào nhoáng ấy, cuộc sống của họ cũng có biết bao khó khăn, trăn trở. Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng đoàn CMN cho biết: "Nếu so với gần 10 năm trước, cuộc sống của anh chị em trong đoàn hiện đã được nâng cao hơn khá nhiều do có thêm thù lao thanh sắc, được sự quan tâm nhiều của tỉnh và của ngành văn hoá. Tuy nhiên, cuộc sống của anh, em trong đoàn vẫn còn rất nhiều khó khăn, từ đời sống vật chất đến việc tìm cho mình một hướng đi sau khi rời sân khấu".

Một trong những khó khăn nhất của đoàn chính là vấn đề nhà ở. Hiện có đến hơn một nửa ca sĩ, diễn viên của đoàn phải sống ngay tại nơi làm việc của đoàn là rạp Duy Tân (số 30, Lê Quý Đôn, TP. Vũng Tàu). Đó là những căn phòng được ngăn bằng các tấm ván ép với diện tích căn lớn nhất là 12m2, nhỏ nhất là 6m2 làm nơi sinh hoạt chung của cả gia đình 3-4 người. "Đa phần các cặp vợ chồng đều là thành viên trong đoàn nên mức thu nhập từ 1 đến 1,5 triệu đồng diễn viên chính, còn những diễn viên phụ và nhân viên kỹ thuật chỉ chưa đến 1 triệu đồng như hiện nay, bảo đảm cuộc sống cho cả gia đình đã là điều khó, nếu để anh em phải kham thêm tiền thuê nhà thì không thể đủ sống. Vì vậy, chúng tôi thu xếp nơi ở tạm để mọi người yên tâm làm công việc", ông Tám ưu tư.

Đối với những gia đình mà cả vợ lẫn chồng đều là nghệ sĩ của đoàn thì sinh hoạt thường nhật của con cái mỗi khi họ phải lưu diễn là một nỗi lo không nhỏ. Ví dụ như cặp vợ chồng diễn viên múa Trần Thị Thục và ca sĩ Thanh Minh, mỗi lần đi diễn, anh chị đều đưa cậu con trai chưa đầy 2 tuổi của mình cùng đi. "Để cháu ở nhà thì không ai trông, nhìn con ói vì say xe sót ruột nhưng cũng phải chịu vì không biết làm sao", Thục tâm sự. Còn với ca sĩ Ngọc Quỳnh, tuy đã "huấn luyện" cho cô con gái của mình có thể tự chăm sóc bản thân từ khi bé lên 5 tuổi "nhưng mỗi khi đi diễn tôi đều lo lỡ ở nhà xảy ra chuyện gì thì cháu không biết gọi ai vì tất cả đều đi diễn, phòng bảo vệ lại ở quá xa"…

Đặc biệt, làm gì sau khi hết tuổi diễn là nỗi lo lớn của gần như tất cả anh chị em trong đoàn. Họ thật khó có thể tìm cho mình một công việc mới khi rời đoàn như tâm sự của Minh Thanh, diễn viên múa tâm sự: "Đến hơn 30 là tôi không thể lên sân khấu trong khi không phải ai cũng có thể chuyển sang hoạt động phong trào. Có lẽ tôi phải đi học một nghề khác dù muộn nhưng là việc làm cần thiết để lo cho cuộc sống sau này".

NHỮNG HƯỚNG ĐI RIÊNG

Và để bảo đảm cuộc sống hiện tại cũng như chuẩn bị bước chuyển tiếp trong tương lai, các nghệ sĩ trong đoàn đều tìm cho mình một hướng đi và không ít người đã chọn cách rời khỏi đoàn chạy "show" bên ngoài hoặc đầu quân cho những cơ quan, đơn vị có phong trào văn hoá văn nghệ phát triển.

Còn những người muốn gắn bó lâu dài với nghệ thuật, với đoàn - nơi họ coi như một gia đình lớn của mình cũng tìm hướng đi để vừa có thể đảm bảo cuộc sống, vừa có khả năng tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật. Một số người đã tìm cho mình những công việc làm thêm có liên quan đến nghề như Ngọc Quỳnh, Duy Tân đi hát kiêm dẫn chương trình cho các đám cưới; Ngọc Huệ, Lan Anh - diễn viên múa thì nhận dàn dựng chương trình cho các đơn vị tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng… Trong khi đó, một số ca sĩ, diễn viên khác lại chọn theo học thêm các lớp đại học, trung cấp âm nhạc; các lớp đạo diễn, dàn dựng chương trình… để khi hết tuổi diễn, họ vẫn có thể tiếp tục gắn bó với nghề. Còn trường hợp của Ngọc Huệ, diễn viên múa, thì không chỉ học biên đạo mà chị còn chuẩn bị thêm tấm bằng kế toán để "có thể xin ở lại làm việc lâu dài tại đoàn".

Thông cảm cho những khó khăn của các thành viên trong đoàn, đoàn CMN đã tạo mọi điều kiện cho các diễn viên, ca sĩ đạt được nguyện vọng. "Với những người muốn rời đoàn, dù được đào tạo tại đoàn, chúng tôi đều không đưa ra điều kiện ràng buộc. Còn những anh chị em nhận biểu diễn bên ngoài, chúng tôi cho mượn phụ trang, nhạc cụ biểu diễn, tạo điều kiện cho những người có nguyện vọng tham gia các lớp học thêm để nâng cao chuyên môn… Miễn họ đảm bảo được nhiệm vụ của đoàn là được", ông Nguyễn Văn Tám nói thêm.

Bài, ảnh: Thanh Xuân

.
.
.