.

"PHIM TRƯỜNG" MÙA CƯỚI

Cập nhật: 08:18, 13/12/2004 (GMT+7)

Đang trong mùa cưới và ngày càng rầm rộ hơn vào dịp cuối năm. Chuyện cưới hỏi - chuyện trăm năm của cả một đời người - nên nhiều đôi uyên ương đã "đầu tư" không biết bao nhiêu công sức, tiền bạc vào làm một album ảnh cưới sao cho nở mặt nở mày với thiên hạ và cả để "tiếng" lại cho mai sau. Đó là lý do các "phim trường" luôn nhộn nhịp bước chân các đôi uyên ương vào ra.

MỘT NGÀY LÀM "DIỄN VIÊN"

Một trong những danh lam thắng cảnh của đất Vũng Tàu được nhiều đôi uyên ương chọn làm "phim trường" để thực hiện album và DVD nhân dịp tổ chức đám cưới là di tích Bạch Dinh. Thế mạnh của Bạch Dinh là có rừng cây giá tị tuyệt đẹp, những gốc sứ lâu năm sần sùi và toà nhà màu trắng mang đậm nét kiến trúc cổ xưa… Hơn thế nữa, từ Bạch Dinh, các "đạo diễn" có thể lấy được phông nền toàn cảnh Núi Nhỏ, cảnh phố xá và bờ biển Bãi Trước lăn tăn con sóng nên thơ… Với tất cả lý do đó nên ngày đẹp trời ở Bạch Dinh thường nhộn nhịp bước chân những đôi uyên ương ra vào. Chỗ này xiêm áo là lượt, chỗ kia khăn lọng, áo dài… Đủ cảnh từ cô dâu chú rể ở hai đầu cầu thang chạy tới ôm chầm lấy nhau rồi…quay quay mấy vòng. Chỗ này một chú rể đứng kéo violon, chỗ kia thêm một chú rể nữa ngồi đánh đàn ghita cho cô dâu nghe hay một đôi uyên ương khác đang mơ mộng bên khẩu pháo thần công loang lổ dấu thời gian …

Thế nhưng mới hôm trước, tôi vừa gặp nhóm quay phim và chụp ảnh cưới M.Q. và NG.H. ở "phim trường" Bạch Dinh thì ngay sáng hôm sau lại gặp y chang êkíp này ở mũi Nghinh Phong. Một nhiếp ảnh gia trong nhóm Q.M. cho biết tùy theo "gu" của khách, ai thích cổ điển thì đưa lên Bạch Dinh, ưa lãng mạn thì kéo xuống mũi Nghinh Phong, chuộng thiên nhiên hoang sơ thì dẫn ra Bãi Dâu… Chưa kể có khách chịu chơi còn bỏ cả ngày leo lên tượng Chúa Kitô và ngọn Hải Đăng trên đỉnh Núi Nhỏ cho có những cảnh… khác người. Cũng theo nhiếp ảnh gia này, đỉnh núi có những cái mà bãi biển không có được bởi những đường nét, hình khối kiến trúc đủ cấp độ cho một ảnh nghệ thuật. Chụp ảnh và quay phim ở ngoài trời được các "đạo diễn" sắp xếp, thiết kế thành những câu chuyện có nội dung có tình tiết… Vì thế trông cô dâu, chú rể có hồn, có chuyện hơn là chụp trong studio để … rõ mặt và đẹp. Tại Làng du lịch Bình An (số 1 Trần Phú - Vũng Tàu), tôi đã từng chứng kiến một đôi uyên ương phải đóng đi đóng lại nhiều lần cảnh nằm trên bãi cỏ hôn nhau. Cũng đôi uyên ương này sau đó giả đi xe ngựa, tắm hồ bơi, chơi piano… mất trọn buổi sáng. Buổi chiều, chú rể đóng cảnh đạp xích lô chở cô dâu đi dạo biển, ra lu nước để cầm gáo dừa múc nước rửa chân cho cô dâu, cuối cùng là chú rể xách dép cho cô dâu và cùng nhau bước vào… phòng.

Anh Nguyễn Duy Lương, Phó Giám đốc khu du lịch Thùy Dương (xã Phước Hải - huyện Đất Đỏ), nói: "Trở về với thiên nhiên hoang dã dường như đang là thị hiếu mới của cô dâu chú rể. Có lẽ nhiều người muốn tìm lại thời thơ ấu của mình hoặc mường tượng lại phong cảnh làng quê nơi mình sinh ra và lớn lên" (?). Anh Lương cho biết, có tuần ở khu du lịch Thùy Dương đón cả chục đôi uyên ương đến quay phim chụp ảnh vì ở đây có những căn nhà tranh vách nứa nằm nép mình sát mép biển với hàng cau, dàn trầu, dậu râm bụt… trông thật như nhà quê. Đa số các đôi uyên ương chọn khu du lịch Thùy Dương làm "phim trường" là người TP. Hồ Chí Minh. Để kịp chụp một cảnh bình minh trên bãi biển, đôi uyên ương và cả êkíp phải khởi hành ở TP. Hồ Chí Minh từ 2 giờ sáng. Ra tới nơi, cô dâu chú rể chỉ mặc đồ cưới vào người để quay cho được cảnh mặt trời vừa ló dạng, xong xuôi đâu đó mới bắt đầu làm mặt, làm tóc để chụp tiếp những cảnh biển, núi tiếp theo.

THÍCH GÌ CŨNG CHIỀU!

Cũng như nhiều đôi uyên ương, công việc đầu tiên trước khi chuẩn bị đám cưới của đôi bạn trẻ Sơn và Thu là đi chụp hình cưới. Thu xuýt xoa: "Đám cưới của mấy đứa bạn, đứa nào cũng đi chụp hình album, đẹp nhìn muốn… lé mắt". Để làm một cuốn album cho có với người ta, Thu "hành" Sơn phải đi vòng cả buổi khắp Vũng Tàu, ghé qua hàng chục studio để chọn lấy một chỗ chụp hình "chiến" nhất. Không tiếc tiền và cũng để bằng chị bằng em, Thu chấp nhận làm một cuốn album ở một tiệm trên đường Bacu với giá trọn gói 3 triệu đồng. Vừa đi ngoại cảnh ở mũi Nghinh Phong và khuôn viên di tích Bạch Dinh cộng với chụp trong studio mất đứt một ngày. Thu hồi hộp chờ thêm một tuần để cuốn album thành hình. Nhưng rồi một hôm nghe cô thất vọng não nề báo: "Hình xấu quá, "nó" chụp làm sao ấy chứ em thấy mấy cuốn hình mẫu ở tiệm cũng đẹp lắm mà, chắc phải đi chụp lại quá" ! Lần này để chắc ăn hơn, Thu đã cơm đùm cơm nắm lên TP. Hồ Chí Minh để có được cuốn album xứng đáng, cô đã chấp nhận chụp thêm một cuốn mới với giá sơ sơ khoảng…nửa lượng vàng. Chưa tính số tiền làm dĩa DVD.

Theo anh Đặng Chí Công, chủ studio 23 đường Trần Hưng Đạo - TP. Vũng Tàu, trình độ chụp ảnh và công nghệ xử lý ảnh ở Vũng Tàu hiện không thua kém so với TP. Hồ Chí Minh, nếu "chơi khéo" thì các đôi uyên ương không phải tốn kém nhiều cho việc làm album cưới như vậy. Với công nghệ kỹ thuật số, không nhất thiết phải đi ngoại cảnh cũng có những tấm hình ghép như ý, trông không thật lắm nhưng bù lại giá thành rẻ. Chỉ khoảng từ 1 đến 2 triệu đồng/album 25 tấm ép laminate cỡ 15x21 hoặc 20x30. Hơn nữa, đâu phải lúc nào cũng có thể quay được những đoạn phim, chụp được những tấm ảnh ngoài trời đạt chất lượng, nếu như thời tiết và sức khoẻ cô dâu không cho phép.

Quan sát một vòng thị trường studio mùa cưới nhận thấy nhiều đôi uyên ương còn chuộng loại ảnh xuyên sáng có thể rọi đèn xuyên qua như tranh điện và phóng to khổ đến cả 2x3m để treo cho đã. Kiểu rọi ảnh laminate cỡ 50x75 như trước cũng không được ưa thích bằng các loại giấy bố, lụa… rồi kết vào khung gỗ, treo bằng dây thừng quấn theo kiểu "cổ mà sang". Nhiều cô dâu chú rể còn phóng ảnh to đến cả 2-3m để làm thành một bức tranh đèn to tướng trang trí trong phòng ngủ, phòng khách trông rất … hoành tráng. Ông chủ một studio trên đường Lê Hồng Phong (Vũng Tàu) cho biết: "Cái gì cũng có, thích gì cũng chiều, bởi ở thời buổi kinh tế ngày càng khá lên này nhiều người đã chọn đây như một cách đáng để tiêu tiền. Ai cũng bảo dù sao đó cũng là kỷ niệm một đời mà!".

Phương Anh, một chuyên viên trang điểm kể: Sau cả ngày trời "đóng phim", nhiều cô dâu mặt mày phờ phạc, hai tay xách luôn cả cái váy thất tha thất thểu về chỗ thay đồ. Có đôi mệt quá cứ ngồi xổm không hoặc đổ kềnh ra các gốc cây, bãi cỏ để thở. Nên cứ phải căn dặn cô dâu chú rể ăn uống trước, nhưng rất nhiều cô dâu không chịu ăn vì sợ …bụng to, mặc áo cưới không đẹp. Thế là cứ nhịn, nhiều cô dâu mới quay chụp được nửa đoạn đường mặt mày đã tái xanh vì mệt và đói, không ít trường hợp xỉu luôn, lúc đó cả đoàn cứ phải tìm mọi cách "vỗ" cho cô dâu tươi tắn một chút mới mong có được tấm hình đẹp.

Hoa Hạ

.
.
.