.
NHÀ THƠ THẢO PHƯƠNG, GIẢI BIÊN KỊCH XUẤT SẮC PHIM TRUYỆN VIDEO TẠI LHP VN LẦN THỨ 14:

"TÔI NỢ NGHĨA TÌNH VỚI NGƯỜI DÂN TÂY NGUYÊN"

Cập nhật: 09:19, 20/11/2004 (GMT+7)
Thảo Phương, nhà thơ, nhà biên kịch phim tại lễ trao giải.

Bộ phim "Chim phí bay về cội nguồn" của nhà thơ Thảo Phương đã bất ngờ nhận được Giải Biên kịch xuất sắc nhất cho thể loại phim truyện video tại LHPVN lần thứ 14. Đây là một hạnh phúc lớn đối với Thảo Phương, chị đã bày tỏ cảm xúc của mình về niềm vui này với báo Bà Rịa - Vũng Tàu.

* Chào chị Thảo Phương, là Cử nhân khoa học chị lại rẽ lối sang làm thơ và bây giờ là biên kịch, riêng với Chim Phí bay về cội nguồn, một kịch bản "rặt" Tây Nguyên thì chị lấy từ đâu cảm hứng để xây dựng cốt truyện và nhân vật?

- Làm công việc biên kịch với tôi cũng chỉ là một trong những niềm đam mê như mê thơ, mê viết lách… Chim Phí là một món nợ lớn mà tự thân tôi vận vào mình đối với đồng bào Tây Nguyên. Tất cả bắt đầu từ một mẩu tin ngắn tôi đọc được trên báo về đời sống văn hóa còn bị trói chặt trong các hủ tục của đồng bào Tây Nguyên vào năm 1993. Tôi đã viết đề cương và mang nộp Ban Giám đốc Hãng phim Giải Phóng, lúc bấy giờ anh Thanh Hùng là Giám đốc. Nhưng mãi đến năm 2003, kịch bản Chim Phí mới được quay thành phim.

* Mất hết 10 năm cho một bộ phim, chị không nản lòng sao?

- Do khách quan nên đành kiên nhẫn thôi, một phần do kinh phí làm phim, một phần do phải sửa chữa để phù hợp với tiêu chí của hãng, vì phần nào Chim Phí còn đi theo cảm tính… của một người đã quen làm thơ.

* Tôi đã đọc và nhận thấy kịch bản Chim Phí ngồn ngộn chất liệu sống của Tây Nguyên, chị chắc đã phải sống và thở cùng Tây Nguyên?

- Vâng, những bức xúc trong cảm nhận của tôi về vùng đất đẹp một cách nên thơ lại còn quá nhiều những khuất ẩn của đặc trưng văn hóa đã được lột tả trọn vẹn trong kịch bản này. Tôi đã đến Tây Nguyên rất nhiều lần như cách bạn nói để sống và thở trong không khí của Tây Nguyên và để hòa lẫn trong linh thức của vùng đất cồng chiêng này. Một nhà tư tưởng Pháp đã có một câu châm ngôn rất hay: "Muốn hiểu thì phải yêu, muốn yêu thì phải hiểu", tôi đã hiểu nên đã yêu Tây Nguyên…

* Được biết kịch bản Chim Phí là để làm phim truyện nhựa, nhưng bây giờ lại là video, chị có hơi thất vọng không?

- Cảm giác trước kia của tôi là buồn khi biết phim làm từ kịch bản Chim Phí không bằng chất liệu nhựa như kế hoạch ban đầu mà chỉ là video. Nhưng hôm nay thì đã không "thành vấn đề", tất cả cũng chỉ để quy về mục đích vì công chúng nói chung và đồng bào Tây Nguyên nói riêng. Thôi thì mơ về tương lai, mình sẽ có một kịch bản được dựng thành phim nhựa.

* Cảm xúc của chị khi phim được mang chiếu và tham dự tranh giải tại LHP?

- Tôi rất hồi hộp, không biết phim làm từ kịch bản mình có gì sai với đời sống tinh thần và sinh hoạt của bà con Tây Nguyên không. Nhưng khi phim được chiếu giới thiệu, tôi nhận thấy sự đồng cảm của bà con từ các buôn làng, của các em học sinh – sinh viên người dân tộc… khi xem phim, có những tiếng tán thưởng, và họ theo dõi rất chăm chú bộ phim.

* Giải thưởng mang đến cho chị những gì?

- Động viên tinh thần tôi rất lớn, và còn giúp tôi được sự công nhận của những người trong nghề biên kịch, vì trước nay tôi chỉ làm việc như một nhà biên kịch nghiệp dư, nay thì tôi đã mạnh dạn hơn, tự tin hơn.

* Kịch bản nào của chị sẽ tiếp tục được dựng phim?

- Đầu tháng 12-2004, sẽ khởi quay bộ phim ca nhạc Cao nguyên huyền thoại do tôi viết kịch bản. Phim là sự hợp tác giữa Hãng phim Giải Phóng và UBND tỉnh Đal Lak.

* Và còn những kế hoạch, ấp ủ khác đối với điện ảnh?

- Tôi hiện đang gấp rút hoàn thành kịch bản Đại Tù trưởng, nói về anh hùng Nơ Trang Long, người thủ lĩnh Tây Nguyên có những đóng góp to lớn cho độc lập của dân tộc ở thế kỷ 19. Mong là Đại Tù trưởng sẽ được dựng thành phim nhựa. Sau đó sẽ là kịch bản Tìm về bến nước, nói về cuộc sống đương đại của thanh niên…

Xin chúc chị thành công.

Mai Tường (thực hiện)

.
.
.