.
THÀNH PHỐ VŨNG TÀU :

CẦN MỘT NHÀ HÁT CHO CÁC CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT LỚN

Cập nhật: 08:14, 21/10/2004 (GMT+7)
Một sân khấu ca nhạc hiện đại, đáp ứng được những chương trình nghệ thuật có quy mô lớn là điều thực sự cần để phục vụ nhu cầu của người dân.

Hiện nay, do hai rạp Duy Tân và Điện Biên có diện tích hẹp, sức chứa ít nên hầu hết các chương trình văn nghệ lớn của thành phố đều phải tổ chức tại sân vận động Lam Sơn và Nhà thi đấu đa năng. Thế nhưng, do đặc thù là nơi tổ chức các hoạt động thể thao, nên 2 địa điểm này không đáp ứng được những yêu cầu của các chương trình nghệ thuật. Đã đến lúc Vũng Tàu cần có một nhà hát phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân nói chung...

TẠM BỢ SÂN KHẤU NGOÀI TRỜI

Chính vì chưa có một rạp hát đủ lớn để tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật tương xứng nên hầu hết các chương trình lớn phải tổ chức ngoài trời. Các sân khấu ngoài trời đã bộc lộ khá nhiều hạn chế. Trước tiên, đó là sự tạm bợ, cẩu thả trong khâu tổ chức. Đơn cử như trong chương trình ca nhạc được tổ chức tại Nhà thi đấu đa năng của đoàn ca nhạc Sao Đêm. Một chương trình được giới thiệu là hoành tráng, đặc sắc nhất nhưng nhiều khán giả đã không khỏi thất vọng khi tận mắt đến xem chương trình. Nơi biểu diễn được quây tạm bằng những tấm bạt giữa sân của Nhà thi đấu đa năng khiến người xem có cảm giác lọt thỏm giữa một khu đất trống mà như chị Thanh Mai (nhà ở phường 4, TP. Vũng Tàu) "vào đây tôi thấy mình như lạc vào một sân bãi trống trải vậy, không có cảm giác gì là đi xem ca nhạc cả". Không những vậy, sân khấu được dựng trên vài khung giàn giáo mà khi ca sĩ nhảy mạnh, người xem có cảm giác sàn diễn như bị chao đi, đung đưa theo nhịp nhảy. Còn phông sân khấu thì được chăng một tấm vải trắng loang lổ mà theo anh Nguyễn Văn Minh (nhà ở phường 8, TP. Vũng Tàu) nhận xét: "Nhìn sân khấu khiến tôi có cảm giác mình đang đi xem một buổi chiếu bóng ở bãi cỏ sân kho hợp tác xã cách đây gần 20 năm …".

Việc biểu diễn tại các sân khấu dựng tạm ngoài trời hiện nay còn là nguyên nhân của tình trạng lộn xộn, bê bối, gây sự khó chịu cho khán giả khi đến xem chương trình. Có tình trạng này là vì sự xuất hiện của "lực lượng" bán hàng rong trong khu vực hàng ghế của khán giả. Họ tự do đi lại, len vào từng hàng ghế để chào mời khách mua hàng. Anh Nguyễn Văn Hưng (ở phường 8) đã không giấu được bực mình cho biết: "Thật lạ, một chương trình ca nhạc như thế này mà BTC vẫn cho người bán hàng đi lại trong sân khấu làm phiền khán giả. Chúng tôi bỏ tiền đi coi ca nhạc chứ không phải đi rước sự bực mình!…".

Cũng vì phải biểu diễn ngoài trời nên đã có nhiều chương trình phải huỷ bỏ vì lý do… thời tiết, đơn cử như chương trình liveshow của ca sĩ Lam Trường vừa bị huỷ bỏ gần đây. Biết có Lam Trường tới biểu diễn, từ rất sớm, cả ngàn người đã tập trung chờ đợi, nhưng thay vì được xem biểu diễn, mọi người lại nhận được lời xin lỗi của Ban tổ chức vì lý do "trời mưa", sân khấu ướt nên ca sĩ không thể diễn được.

CẦN MỘT NHÀ HÁT MỚI CHO VŨNG TÀU

Từ những thực tế trên đã đặt ra một nhu cầu, đó là cần có một sân khấu, một nơi biểu diễn thực sự dành cho việc tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ. Sân khấu này ngoài chức năng biểu diễn các chương trình ca nhạc còn là nơi để tổ chức các hoạt động nghệ thuật có qui mô lớn của tỉnh. Theo anh Nguyễn Công Thành, (ở phường 10, TP. Vũng Tàu), những chương trình ca nhạc được tổ chức tại các sân vận động là không phù hợp. "Sân Lam Sơn thì quá lớn khiến không khí dễ bị loãng, còn sân của Nhà thi đấu đa năng thì lại nhếch nhác, luôm thuộm, không phù hợp để tổ chức các hoạt động văn hoá", anh Thành cho biết thêm.

Còn theo chị Thanh Mai thì chất lượng của các chương trình hiện nay là khá tốt, cái yếu chính là khâu tổ chức, trong đó nguyên nhân chủ yếu là vì chúng ta chưa có một nơi biểu diễn đàng hoàng dành cho những chương trình lớn.

Với nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng cao cả về chất lẫn lượng, hai rạp Duy Tân và Điện Biên hiện thời không thể đáp ứng vì qui mô quá nhỏ (chỉ chứa được khoảng từ 600-700 người/ chương trình). Đó là chưa kể đến những hạn chế về cơ sở vật chất như: âm thanh, sân khấu, các phòng chức năng… của hai rạp này.

Ông Hoàng Văn Định, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin, cho biết: "Trong khi xây dựng thiết chế văn hoá mới, Sở Văn hóa – Thông tin đã có đề án xây dựng một rạp hát có thể phục vụ những chương trình nghệ thuật có qui mô lớn. Đồng thời, khi tổ chức trang bị, chỉnh sửa lại cơ sở vật chất cho Đoàn ca múa nhạc của tỉnh, Sở Văn hóa – Thông tin cũng sẽ nghiên cứu để xây dựng một sân khấu có qui mô lớn, hiện đại, phục vụ không chỉ cho biểu diễn ca nhạc mà còn có thể dành cho những tiết mục khác như: múa balê, nhạc giao hưởng thính phòng…".

Cùng với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của người dân, việc ra đời một sân khấu ca nhạc là điều cần thiết để từng bước nâng cao chất lượng của những chương trình biểu diễn nghệ thuật. Không những vậy, từ những cơ sở vật chất này, chúng ta còn có quyền hi vọng đến sự phát triển của các loại hình nghệ thuật khác của thành phố trong tương lai.

Bài, ảnh: Thanh Xuân

.
.
.