Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Lê Đức Anh, sinh năm 1920, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đã từ trần vào hồi 20h10, ngày 22-4-2019 tại nhà Công vụ, số 5A, phố Hoàng Diệu, Thành phố Hà Nội.
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đến chào nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại Hà Nội trong chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 27-12-2013. - Ảnh: TTXVN |
Lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng đồng chí Lê Đức Anh sẽ được thông báo sau.
VỊ TƯỚNG TÀI BA
Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 1-12-1920 ở làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Năm 1938, ông được kết nạp Đảng Cộng sản. Từ đây, ông bắt đầu cuộc đời của một người cộng sản. Trong Cách mạng tháng Tám 1945, ông làm chỉ huy quân đội ở tỉnh Thủ Dầu Một. Sau đó, ông tham gia kháng chiến chống Pháp ở miền Đông Nam Bộ. Ông đã công tác, chiến đấu trên nhiều mặt trận từ Nam ra Bắc; góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tiến từng bước lên chính quy hiện đại. Trên cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, rồi Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh miền Nam, Tư lệnh Quân khu 9, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông đã tham gia nhiều sự kiện quan trọng, trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn.
Là Tư lệnh Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, ông có nhiều đóng góp to lớn giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của Tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary. Sau khi đất nước Campuchia được giải phóng, năm 1982, ông nhận nhiệm vụ làm Trưởng Ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia Việt Nam giúp Campuchia. Năm 1984, ông được phong quân hàm Đại tướng, sau đó giữ các trọng trách: Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (1986), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (từ tháng 12-1986 đến 1991). Ông được bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 1992-1997.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Lê Đức Anh luôn thể hiện tâm thế của người chiến sĩ đứng vững trên thế tiến công, chủ động tấn công trong suy nghĩ và hành động, lăn lộn với thực tế chiến trường để tìm ra những cách đánh hiệu quả, giảm hy sinh xương máu của chiến sĩ, đồng bào mà vẫn chiến thắng kẻ thù. Là một nhà lãnh đạo luôn được đặt vào những thời điểm khó khăn, buộc phải ra quyết định trong những hoàn cảnh gian khổ, song Đại tướng Lê Đức Anh đã thể hiện đầy đủ tầm nhìn sâu và rộng trong những vấn đề chiến lược của đất nước. Ông là người bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm và khi đã tin là đúng thì quyết làm đến cùng cũng như luôn bình tĩnh trước mọi khó khăn, thách thức.
NHÀ LÃNH ĐẠO NHIỀU DẤU ẤN
Không chỉ có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đại tướng Lê Đức Anh còn có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước và mở rộng quan hệ ngoại giao của Việt Nam. Ông đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đi vào hiện thực, tạo tiền đề cho sự thành công của công cuộc đổi mới những năm tiếp theo. Ông cũng là người đề nghị và được Bộ Chính trị chấp nhận việc phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” để tôn vinh và ghi công sự cống hiến của các bà mẹ cho độc lập tự do của Tổ quốc và giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau.
Đặc biệt, dấu ấn nổi bật của ông phải kể đến là những đóng góp trong lĩnh vực ngoại giao. Thực hiện đường lối đổi mới, năm 1986, Việt Nam tiến hành bình thường hóa quan hệ với một số nước, trong đó có hai nước lớn là Trung Quốc và Mỹ. Bộ Chính trị giao cho lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng lo việc này. Lúc đó, Đại tướng Lê Đức Anh đang giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Thời điểm ấy, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chưa có một kênh tiếp cận chính thức nào. Chiến tranh đã kết thúc được hơn một thập kỷ nhưng sự hận thù vẫn còn sâu sắc. Sau những trăn trở, Đại tướng đã tìm ra những bước đi khôn khéo với chiến dịch “Phẫu thuật nụ cười” và “Tìm kiếm người Mỹ mất tích - MIA” - mở ra một cách tiếp cận trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Đó là một cách làm đầy sáng tạo và bước mở đầu đó đã góp phần quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước vào năm 1995.
Đối với việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, ông cùng Bộ Chính trị quyết định bắt đầu công việc bằng hai kênh: Ngoại giao nhân dân và ngoại giao bí mật. Tháng 7-1991, Đại tướng Lê Đức Anh với tư cách là phái viên của Bộ Chính trị sang thăm nội bộ Trung Quốc để bàn bạc những vấn đề cụ thể việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Sau khi Đại tướng Lê Đức Anh đi “tiền trạm” về, tháng 11-1991, nhận lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc vụ Viện Trung Quốc Lý Bằng, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc. Sau lễ đón và hội đàm, hai bên ra Thông cáo chung và ký Hiệp định chính thức bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Đánh giá về ông, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết: “Ngần ấy thời gian biết về anh Sáu Nam - Lê Đức Anh, có lúc cùng chiến trường, có lúc ở cấp lãnh đạo Nhà nước, anh là một cán bộ tham mưu tầm cỡ, một vị Tướng chỉ huy cương nghị, bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm. Một Bộ trưởng Quốc phòng trong thời bình xây dựng có nhiều đổi mới trong tổ chức và bố trí lực lượng quân đội, lực lượng vũ trang nhân dân; một trong những nhà lãnh đạo quốc gia tầm cỡ trong thời kỳ đổi mới đất nước... Công bằng mà đánh giá, cũng không có nhiều tướng lĩnh như anh Lê Đức Anh”.
TTXVN