.

Lừa đảo biến hình

Cập nhật: 17:44, 13/03/2025 (GMT+7)

Đang giờ nghỉ trưa, số điện thoại lạ gọi đến. Đầu dây bên kia, một giọng nam tự xưng là cán bộ của Sở Giao thông-Vận tải tỉnh. Người này đọc rõ họ tên, biển số xe ô tô của gia đình và cho biết, tem kiểm định cần thay lại mẫu mới cho đồng bộ với quy định mới. Chủ xe không cần đến trung tâm đăng kiểm mà chỉ cần dùng điện thoại làm theo hướng dẫn của anh ta là được, lại không mất phí gì cả.

Thường xuyên đọc báo về các vụ lừa đảo qua điện thoại và cũng đã từng nhận nhiều cuộc gọi có nội dung tương tự nên tôi cảnh giác cao độ. Sau khi tôi hỏi vài câu mang tính chất kiểm tra như: Sở Giao thông-Vận tải ở địa chỉ nào, ai làm giám đốc, quy định nào buộc phải thay mới tem kiểm định vẫn còn hạn… nam thanh niên kia biết không làm ăn được gì nên cúp máy, không lời từ biệt.

Đem chuyện kể với bạn bè để cảnh giác, một anh bạn cho biết, cũng đã nhận được cuộc gọi có nội dung tương tự, nhưng anh không làm theo.

Tình trạng lừa đảo qua mạng, qua điện thoại đã diễn ra nhiều năm nay với hình thức, thủ đoạn muôn hình vạn trạng và biến đổi khó lường. Nhiều đường dây, nhóm lừa đảo đã bị lực lượng chức năng bắt giữ nhưng vẫn không giảm. Chúng gắn mác Việt kiều, người nước ngoài thành đạt để lừa tình và tiền người nhẹ dạ cả tin thông qua mạng xã hội. Nhóm khác thì liên lạc qua điện thoại đe dọa nạn nhân có liên quan hành vi phạm tội, phải chuyển tiền vào tài khoản rồi cung cấp thông tin ngân hàng để chúng kiểm tra. Khi thì chúng giả danh công an gọi điện yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân, xử phạt nguội; hay giả nhân viên điện lực yêu cầu đóng tiền, nếu không sẽ bị cắt dịch vụ…

Các trò lừa đảo tuy không mới, nhưng thường xuyên thay đổi và vẫn có nhiều nạn nhân mắc bẫy. Thủ đoạn chung của bọn lừa đảo qua điện thoại là chúng thao túng tâm lý, phủ đầu bằng việc tự xưng là công an, cán bộ tòa án hay người của cơ quan chức năng. Chúng đọc đúng thông tin cá nhân, địa chỉ của nạn nhân, đưa ra những lời đe dọa khiến nạn nhân lo lắng, bất an. Tiếp đó, chúng gọi điện, nhắn tin liên tục, dẫn dụ nạn nhân “làm việc” với các đối tượng khác nhằm không cho nạn nhân cơ hội và thời gian suy nghĩ hay cầu cứu người thân. Trong trạng thái lo sợ, hoảng loạn, nạn nhân sẽ bị chúng bắt làm theo yêu cầu như cung cấp mật khẩu ngân hàng, thậm chí là mang tiền đi nộp vào tài khoản hoặc bấm vào đường link để chúng dùng công nghệ cao chiếm quyền sử dụng điện thoại và chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Vì vậy, hầu hết các trường hợp bị lừa đảo đều không thể lấy lại tiền.

Vì sao thông tin cá nhân bị lộ lọt, để bọn lừa đảo nắm rõ? Các nhà mạng đã hoàn thành việc đăng ký sim “chính chủ” sao vẫn không thể tìm ra thủ phạm? Câu hỏi này đã được đặt ra nhiều lần nhưng các cơ quan, đơn vị liên quan chưa có câu trả lời thỏa đáng, cần tiếp tục được làm rõ.

Để hạn chế tình trạng trên, các cơ quan chức năng thường xuyên đưa ra cảnh báo, cập nhật phương thức, thủ đoạn của bọn lừa đảo đến người dân; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân trên nhiều kênh: báo chí, mạng xã hội, nhóm zalo, thông tin về tận thôn ấp, khu dân cư; hướng dẫn chi tiết các biện pháp phòng tránh lừa đảo, cũng như chỉ rõ các hình thức làm việc của cơ quan chức năng với người dân.

Bên cạnh đó, cần tăng cường đấu tranh, triệt phá các băng nhóm tội phạm lừa đảo; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đối với sim “chính chủ”. Về phần mình, mỗi cá nhân cần đề cao cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn từ người lạ. Khi lo sợ, hoảng loạn, hãy tắt máy, tránh xa điện thoại trong một khoảng thời gian nhất định để bình tĩnh suy nghĩ, phân tích hoặc trao đổi với người thân, tránh rơi vào bẫy của tội phạm lừa đảo.

NGUYỄN ĐỨC

 
.
.
.