.

Nỗ lực cải thiện mức sinh thay thế

Cập nhật: 16:53, 20/02/2025 (GMT+7)

Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương không kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 trở lên. Trong bối cảnh mức sinh thay thế ở nước ta giảm liên tục những năm gần đây, chủ trương này được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện mức sinh thay thế.

Những năm qua, ngành y tế và các chuyên gia về dân số, lao động việc làm đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo tình trạng mức sinh thay thế ngày càng giảm mạnh, đặc biệt là trong khoảng 5 năm gần đây. Cụ thể, năm 2019, tổng tỉ suất sinh của nước ta là 2,09 con/phụ nữ, năm 2022 là 2,01 con. Đến năm 2023, tỷ lệ này giảm còn 1,96 con/phụ nữ và năm 2024 chỉ là 1,91 con. Điều đáng chú ý, 2 khu vực có mức sinh thấp và thấp hơn mức sinh thay thế trong cả nước là Đông Nam Bộ (1,48 con/phụ nữ) và Đồng bằng sông Cửu Long (1,62 con/phụ nữ).

Tình trạng mức sinh thay thế giảm sẽ gây ra nhiều hệ lụy đối với chất lượng dân số, lực lượng lao động tương lai và gánh nặng về an sinh xã hội khi xã hội có nhiều người già.

Từ năm 2011, Việt Nam bắt đầu quá trình già hóa dân số và là một trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự kiến, đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Đến năm 2038, nhóm dân số 60 tuổi trở lên ở Việt Nam chiếm 20% dân số; đến năm 2050, nước ta trở thành xã hội siêu già với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 25% dân số. Điều đáng nói, trong khi các nước phát triển trên thế giới có hàng trăm năm hoặc hơn nửa thế kỷ để từng bước thay đổi chính sách, ứng phó với sự già hóa dần, thì nước ta chỉ có khoảng 1/4 thế kỷ. Cụ thể, nước ta chỉ có trên 20 năm để chuyển từ xã hội già hóa dân số sang xã hội dân số già, trong khi Pháp là 115 năm, Thụy Điển 89 năm, Mỹ 69 năm…

Khoảng năm 2000 trở về trước, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình của nước ta khá khắt khe nhằm giải quyết mức sinh cao. Người dân sinh con thứ 3 trở lên sẽ bị phạt hành chính, trong khi cán bộ, công chức, đảng viên còn bị kỷ luật, từ khiển trách đến cảnh cáo, khai trừ ra khỏi Đảng! Chính sách này đã giúp Việt Nam ngăn chặn thành công bùng nổ dân số.

Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, thu nhập và đời sống, nhận thức của người dân ngày càng nâng cao, cũng như tinh thần phấn đấu cho sự nghiệp, phụ nữ ngày càng có xu hướng sinh ít con. Ở khu vực đô thị, các khu công nghiệp, do áp lực về nhà ở, chi phí nuôi dưỡng, học tập dành cho trẻ cao, trong khi thu nhập không bảo đảm khiến nhiều người lập gia đình muộn, ngại sinh con khiến cho mức sinh thay thế ngày càng giảm. Trong khi đó, những người làm việc trong cơ quan nhà nước có điều kiện tốt hơn để chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con (làm việc giờ hành chính, công việc và thu nhập ổn định…) thì lại bị hạn chế sinh con bởi ràng buộc về quy định, khiến mức sinh thay thế ngày càng giảm.

Trước tình trạng này, Bộ Y tế đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng mức sinh thay thế, trong đó có đề xuất bỏ quy định kỷ luật người sinh con thứ 3 trở lên và đã được Bộ Chính trị đồng ý. Chủ trương này được đánh giá là rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Điều đó sẽ giúp mọi cặp vợ chồng có nhu cầu sinh thêm con có thể cân nhắc.

Tuy vậy, đây cũng chỉ là một trong những giải pháp nhằm cải thiện mức sinh thay thế. Để đạt mức sinh thay thế, cần thực hiện nhiều giải pháp mang tính lâu dài, bền vững như: tập trung đầu tư cho giáo dục, đào tạo, nâng cao tay nghề và năng suất lao động, từ đó tăng thu nhập cho người lao động; hỗ trợ tiền cho phụ nữ sinh con; giảm thuế, hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho gia đình có con nhỏ; miễn, giảm học phí cho học sinh; xây dựng hệ thống trường công lập; khuyến khích doanh nghiệp có chính sách ưu đãi hơn nữa với phụ nữ có con nhỏ…

 NGUYỄN ĐỨC

 

 

.
.
.