Vì một tương lai xanh

Chủ Nhật, 04/06/2023, 20:11 [GMT+7]
In bài này
.

Tôi đã buộc phải thay đổi thói quen sử dụng túi nylon của mình khi chứng kiến bãi rác khổng lồ, chất đầy hộp xốp, túi nylon, ly nhựa… cách đây hơn 1 năm. “Phải mất 100 năm đến 1.000 năm sau những thứ này mới phân hủy” – một cán bộ ngành môi trường nói đầy lo lắng.

Mỗi lần dọn dẹp nhà cửa sau bữa tối, tôi đã đếm có tới 5-6 chiếc túi nylon gia đình mình đã sử dụng trong ngày được bỏ vào họng chứa rác của chung cư. Làm một phép tính giản đơn, nhân lên với gần 200 hộ mỗi block thì có đến hơn 1.000 chiếc túi nylon/1 block thải ra mỗi ngày.

Và việc đầu tiên là sắm chiếc làn nhỏ xinh như mẹ tôi ngày xưa vẫn dùng để đi chợ. Mỗi lần mua đồ ở tiệm tạp hóa, tôi cũng mạnh dạn từ chối bỏ vào túi nylon. Dù chưa triệt để loại bỏ nhưng sau mỗi ngày, túi rác mang đi đổ đã chỉ còn 1 hoặc thậm chí không còn chiếc túi nylon nào nữa.

Xung quanh tôi, đồng nghiệp và nhiều người quen cũng đang từng bước thay đổi thói quen để hướng tới cuộc sống xanh. Thậm chí, nhiều người còn đặt mục tiêu không xả rác nhựa. Những bữa cơm trưa mang đến cơ quan đựng bằng thủy tinh kèm một bình inox chứa nước. Vào ngày cuối tuần, rất nhiều nhóm tình nguyện, kêu gọi nhau tổ chức đi gom thác thải nhựa ở Bãi Sau, Bãi Trước; núi Lớn, núi Nhỏ…

Những con số thống kê của ngành TN-MT cũng khiến cho bất cứ ai cũng phải suy nghĩ để thay đổi thói quen, hành vi của mình trong cuộc sống hàng ngày. Trung bình mỗi hộ tại Việt Nam thải ra hơn một túi nylon một ngày. Dân số tại hai thành phố lớn của nước ta là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trung bình một ngày thải khoảng 80 tấn rác nhựa và túi nylon.

Trung bình mỗi năm, cả nước thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nylon, 80% số túi nylon đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Việt Nam đứng thứ 4 trong số 20 quốc gia ở top đầu, với khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới.

Ngày Môi trường Thế giới 5/6 năm nay có chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” (Solutions to Plastic Pollution), trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”. Ô nhiễm trắng đang được “báo động đỏ”, de dọa đến cuộc sống cũng như tương lai sau này nếu mỗi người dân không thay đổi thói quen sử dụng túi nylon hay các sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Thói quen vứt bỏ đồ nhựa đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bóp nghẹt hệ sinh thái của trái đất, làm gia tăng biến đổi khí hậu, gây hại cho sức khỏe con người. Ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa cũng đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt.

Vòng đàm phán thứ hai về rác thải nhựa diễn ra tại Paris (Pháp), từ ngày 29/5 đến 2/6 cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các giải pháp cho cuộc khủng hoảng rác thải nhựa trên toàn cầu. Phiên họp lần này diễn ra trong bối cảnh vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa tiếp tục trở nên căng thẳng trên toàn cầu, không chỉ làm gia tăng phát thải CO2 mà còn đe dọa nghiêm trọng tới đa dạng sinh học, đặc biệt là sự sinh tồn của sinh vật biển. Nguy cơ ngày càng cao do sản lượng nhựa hằng năm tiếp tục tăng nhanh, trên đà tăng gấp ba lần trong vòng bốn thập niên. Đại diện 175 quốc gia nhóm họp tại trụ sở của Tổ chức UNESCO tiến gần hơn tới một hiệp ước chung nhằm chấm dứt chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa trong năm 2024.

Thế giới đang nỗ lực giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa. Việt Nam trong việc xây dựng khuôn khổ pháp luật cũng như các chính sách thúc đẩy việc tái chế sản phẩm nhựa, hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, cùng với các nước chung tay giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa.

Ở góc độ trách nhiệm mỗi cá nhân với môi trường, hãy hành động bằng việc không lấy thêm một túi nylon khi mua hàng, từ chối một ống hút nhựa, ly nhựa dùng 1 lần... Đây là những việc làm không quá khó để từ bỏ thói quen cũ và sống có trách nhiệm hơn. Đó cũng là cách để mỗi người tác động đến môi trường và cả đến quyết sách của nhà nước, hướng tới một tương lai xanh, bền vững.

NGÔ GIA

 
;
.