Sản phẩm OCOP không chỉ để trưng bày

Thứ Năm, 22/12/2022, 21:13 [GMT+7]
In bài này
.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) hiện đã lan tỏa và phát triển rộng khắp tại nhiều địa phương nước ta, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới và khôi phục các làng nghề truyền thống.

Theo số liệu của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho thấy, cả nước hiện có hơn 8.500 sản phẩm OCOP đã được xếp hạng từ 3 sao trở lên và với hơn 5.000 làng nghề truyền thống đang hoạt động tại các địa phương, đã tạo ra

 nhiều dòng sản phẩm OCOP với sự đa dạng về mẫu mã, chất lượng ngày càng được nâng lên và đáp ứng các tiêu chí khắt khe của người tiêu dùng. Đặc biệt, từ khi thực hiện chương trình OCOP đến nay, các chương trình khuyến công, phát triển làng nghề ngày càng phát huy hiệu quả, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, hiện đã có 50 sản phẩm đặc trưng của địa phương được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Ngoài ra, còn có 30 sản phẩm đặc trưng khác đang được tiến hành thực hiện các thủ tục phân loại, xếp hạng sao OCOP. Việc công nhận sản phẩm OCOP không chỉ khẳng định chất lượng, tính đặc trưng vùng miền, mà còn góp phần thay đổi tư duy, cách thức ứng dụng khoa học công nghệ, cho đến việc xây dựng thương hiệu, nhãn mác hàng hóa của từng cơ sở sản xuất.

Với việc ngày càng có nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nhiều hàng hóa nông sản mang đặc trưng vùng miền tham gia Chương trình OCOP, được các địa phương phân loại, xếp hạng theo từng mức sao, đã và đang tạo ra sự phong phú về hàng hóa nội địa phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Mặc dù vậy, hiện vẫn đang tồn tại thực trạng là số lượng các sản phẩm OCOP tại các địa phương tăng nhanh một cách ồ ạt, nhưng lại chưa tập trung cho các sản phẩm lợi thế, mang tính đặc thù cao, nên chất lượng, giá trị các sản phẩm OCOP cũng như hiệu quả của chương trình chưa cao. Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển sản phẩm OCOP còn rời rạc, chưa có sự liên kết giữa các sản phẩm trong cùng một địa phương và các địa phương trong cùng một vùng để nâng cao hiệu quả sản xuất nông sản số lượng lớn và tăng thêm hiệu quả kết nối chuỗi giá trị, chuỗi thương mại trên các sàn giao dịch hàng hóa đặc sản.

Thực tế cho thấy, do nhiều sản phẩm OCOP được sản xuất từ các HTX, các doanh nghiệp nhỏ và phần đông từ các nông hộ nên có những hạn chế nhất định. Nhiều sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu, chưa được quảng bá rộng khắp đến người tiêu dùng… nên chỉ mới khiêm tốn trưng bày tại các quầy giới thiệu sản phẩm, hoặc người địa phương tiêu dùng sản vật địa phương mình theo cách “tự sản tự tiêu”.

Để các sản phẩm OCOP không chỉ để trưng bày, bị mai một dần và khi hết thời hạn công nhận “sao” lại trở về số “không” rất cần một chiến lược bài bản, có hiệu quả trong quá trình xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và đưa các đặc sản đặc trưng của địa phương đến tay người tiêu dùng, mở rộng cơ hội tiêu thụ sản phẩm OCOP ở tầm quốc gia và cao hơn là xuất khẩu.

Giải pháp hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong việc đưa sản phẩm OCOP đến với đông đảo người tiêu dùng là quảng bá và xúc tiến thương mại, nhất là thương mại điện tử. Việc kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP cần phải được thực hiện trong các chương trình hoạt động khác nhau, như: Lồng ghép vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm thương mại, các hội nghị kết nối cung cầu quy mô vùng và quốc gia; Lồng ghép với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp; Chương trình đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống cửa hàng bán buôn, các chợ dân sinh và các siêu thị.

Đặc biệt, vào các dịp lễ hội lớn, dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán hàng năm, khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, là dịp thuận lợi để tăng cường truyền thông, quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP.

HOÀNG LÊ

 

;
.