Hỗ trợ cho người lao động mất việc

Thứ Tư, 21/12/2022, 19:26 [GMT+7]
In bài này
.

Trước cổng chung cư hơn 1 tuần nay xuất hiện thêm một xe bán bánh mì của người phụ nữ trung tuổi. Thỉnh thoảng ghé mua bánh mì trước khi đến cơ quan làm việc, trong câu chuyện ngắt quãng tôi được biết, chị vừa bị mất việc làm hơn 1 tháng nay. Công ty giày da nơi chị làm việc kể từ giữa năm 2022 đến nay đã có hơn 700 công nhân không có việc làm do đơn hàng giảm. “Ban đầu là luân phiên ngày làm ngày nghỉ, nhưng đến gần cuối năm thêm một đợt rà soát nữa, tôi thuộc trong số hơn 200 công nhân phải nghỉ. Cũng may cô hàng xóm nơi tôi thuê trọ cho lại cái xe bán bánh mì cũ này, buôn bán kiếm lai rai đỡ chứ cuối năm rồi, không biết xin việc ở đâu vì cũng rất nhiều công ty phải cắt giảm”, chị nói.  

Khác với những năm trước, dịp cuối năm thay vì tuyển thêm lao động thì nhiều công nhân cho biết, họ bất ngờ và rất lo lắng khi nhận thông báo nghỉ việc, nhất là khi Tết nguyên đán đang cận kề. Chưa xin được việc làm mới, cũng không thể về quê nên họ đã phải quay sang đi làm tạp vụ, giúp việc ở quán ăn, nhà hàng hoặc buôn bán nhỏ.

Số liệu của Tổng LĐLĐ Việt Nam, từ tháng 9 đến tháng 11, hơn 631.300 lao động ở 28 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở phía Nam bị ảnh hưởng. Trong đó, gần 570.000 người bị giảm giờ làm, hơn 34.500 bị cắt giảm và trên 31.000 trường hợp nghỉ không lương hoặc bị tạm hoãn hợp đồng. Nguyên nhân là hàng loạt doanh nghiệp mất đơn hàng dịp cuối năm khi các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản cắt giảm nhu cầu tiêu dùng; khó khăn về nguyên liệu, chi phí tăng cao lẫn chịu biến động từ tình hình thế giới. Riêng tại Bà Rịa-Vũng Tàu, thống kê từ Sở LĐ-TBXH cũng cho thấy, đã có hàng chục doanh nghiệp thuộc lĩnh vực may mặc, giày da, sản xuất bao bì… buộc phải cắt giảm hàng ngàn lao động do thiếu đơn hàng. Dự báo sẽ có khoảng 16.000 lao động trong thời gian tới sẽ phải giảm giờ làm hoặc bị mất việc.

Theo chuyên gia, kinh tế kinh thế giới đang gặp nhiều khó khăn, khiến nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng. Tuy nhiên, dù cắt giảm theo hình thức nào thì khi Tết nguyên đán đang đến gần, việc làm, thu nhập không có hoặc giảm thì cũng khiến người lao động vô cùng khó khăn. Do đó, việc hỗ trợ người lao động là hết sức cần thiết vào lúc này. Về phía doanh nghiệp, không chỉ là xoay xở tạo việc làm mà còn có các chính sách phục lợi như hỗ trợ tiền nhà trọ, trợ cấp Tết, tàu xe cho người lao động về quê đón Tết…

Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ LĐLĐ, Sở LĐTBXH, BHXH và các tổ chức đoàn thể khác để kịp thời rà soát biến động lao động trong các doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn, chăm lo Tết cũng như bảo đảm các quyền lợi, chế độ chính sách cho người lao động bị mất việc.

Lao động làm việc tại Bà Rịa-Vũng Tàu đa số đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Giải quyết bài toán quyền lợi người lao động không chỉ góp phần thực hiện an sinh xã hội, giữ nguồn lao động khi doanh nghiệp phục hồi sản xuất cũng như tạo sự ổn định và phát triển của địa phương nói riêng, cũng như vùng kinh tế phía Nam nói chung.

NGÔ GIA

 

;
.