Tránh bệnh hình thức khi chuyển đổi số
Trong thời đại công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, chuyển đổi số (CĐS) là một xu thế tất yếu, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển kinh tế - xã hội và được xác định là một yêu cầu bắt buộc.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về CĐS cũng đã xác định rất rõ, CĐS quốc gia là nhiệm vụ rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Do đó, phải thực hiện CĐS một cách toàn diện, triệt để trên cơ sở gắn với 3 trụ cột chính: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Thời gian qua, công tác CĐS của nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều lĩnh vực đã từng bước thực hiện CĐS một cách cơ bản và phát huy được hiệu quả trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Ban chỉ đạo của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã xây dựng chương trình hành động và kế hoạch thực hiện CĐS. Đến nay, đã hoàn thành 21/25 dịch vụ công mức độ 3,4 đúng lộ trình Đề án 06 và có gần 125 triệu hồ sơ xử lý trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Cụ thể, nhiều dịch vụ công mức độ 3, 4 đã mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu mong đợi của người dân, như việc Bộ GD-ĐT thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh, sau đó là đăng ký xét tuyển đại học năm 2022, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí cho người dân. Riêng Bộ Công an đã hoàn thành mức độ 3, 4 đối với 187/224 dịch vụ công của toàn ngành; tiến hành cấp hộ chiếu trực tuyến, phân cấp đăng ký ô tô, xe máy về cấp huyện, cấp xã…
Bên cạnh việc tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí của người dân, CĐS đã từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch. CĐS đã và đang tiếp tục cung cấp nhiều dịch vụ công thiết yếu cho người dân và doanh nghiệp, nhằm hạn chế tiếp xúc, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Vai trò của CĐS đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay là rất quan trọng. CĐS là sự hội tụ của khoa học công nghệ, của kinh tế tri thức, của đổi mới sáng tạo và của cách mạng công nghiệp 4.0. Đất nước muốn phát triển nhanh và bền vững trong thời đại công nghệ số rất cần CĐS, với một không gian phát triển mới, tài nguyên mới và hạ tầng mới. Do đó, để phát triển kinh tế số, xã hội số, đòi hỏi mỗi địa phương, đơn vị, nhất là các doanh nghiệp cần phải quyết liệt thực hiện CĐS, là cơ hội rất lớn để cùng bứt phá. Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, nên nhận thức về nền tảng số và cách tiếp cận sử dụng nền tảng số trong triển khai CĐS còn chưa được đầy đủ.
Thực tế cho thấy, không phải địa phương, doanh nghiệp, đơn vị nào cũng tiếp cận sử dụng nền tảng số và triển khai thực hiện tốt công tác CĐS. Không ít nơi chưa thật sự quan tâm và còn xem nhẹ việc CĐS, hoặc làm qua loa, chiếu lệ và mang tính hình thức. Cá biệt, có trường hợp chính quyền còn xem nhẹ CĐS, nên người dân ít được tiếp cận với các dịch vụ số. Nhiều chỉ tiêu về chuyển đổi số còn đạt ở mức thấp, như: Chỉ tiêu về tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh, tỷ lệ hộ gia đình lắp đặt internet cáp quang băng rộng, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử…
CĐS không chỉ là nêu khẩu hiệu, mà cần phải đi vào thực chất trong việc sử dụng nền tảng số. Cần phải xác định rõ CĐS là công cụ quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nền kinh tế số, xã hội số, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng. Trên cơ sở CĐS phải để người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công và tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện cần theo phương châm dễ làm trước, khó làm sau, đi từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, không làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, trong CĐS vai trò của người đứng đầu rất quan trọng và nếu chỉ làm hình thức, thiếu quyết liệt, thiếu quyết tâm thì nhiều mục tiêu lớn sẽ khó hoàn thành và làm chậm quá trình chuyển đổi số quốc gia.
HOÀNG LÊ