Phòng, chống đuối nước trẻ em

Thứ Sáu, 13/05/2022, 19:23 [GMT+7]
In bài này
.

Hằng năm, cứ đến gần mùa hè, chuyện dạy bơi cho trẻ em lại trở thành chủ đề được nhiều người nhắc đến. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi thời gian này, số trẻ bị thiệt mạng do đuối nước thường cao nhất trong năm.

Theo thống kê của Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, cả nước có ít nhất 14 trẻ em tử vong do đuối nước. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên phạm vi cả nước đã xảy ra một số vụ đuối nước có nhiều trẻ tử vong như: tại Đắk Lắk từ cuối tháng 3 đến nay xảy ra 7 vụ đuối nước khiến 16 trẻ thiệt mạng; tại Bình Phước một vụ đuối nước cướp đi sinh mạng của 6 học sinh lớp 11. Trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, hồi đầu tháng 4 cũng xảy ra vụ đuối nước khiến 4 học sinh THCS tử vong khi tắm hồ. Thống kê cũng cho thấy, tuy số vụ đuối nước giảm hàng năm nhưng mỗi năm vẫn có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước.

Theo Bộ GD-ĐT, trong chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, bơi là môn học tự chọn được triển khai phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của các địa phương, nhà trường. Bộ cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai việc đưa môn bơi vào dạy trong trường học trên cả nước. Trong đó, Bộ GD-ĐT khuyến khích các địa phương bố trí ngân sách đầu tư xây dựng bể bơi tại trường hoặc cụm trường với quy mô phù hợp, tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư xây dựng bể bơi phục vụ dạy và học bơi cho học sinh.

Những năm gần đây, các địa phương và nhà trường đã nỗ lực phổ cập bơi cho học sinh. Ngoài kinh phí xây dựng hồ bơi do nhà nước cấp, nhiều trường học đã phối hợp với doanh nghiệp, nhà tài trợ để xã hội hóa đầu tư hồ bơi di động, tạo điều kiện dạy bơi cho học sinh.

Tuy nhiên, từ năm 2020, khi dịch COVID-19 xảy ra, hoạt động dạy bơi trong cả nước nói chung, trong trường học nói riêng đã bị ảnh hưởng và gián đoạn. Mặt khác, chất lượng dạy bơi trong trường học chưa cao, chưa đồng đều. Một số trường dù có hồ bơi nhưng không thu hút được học sinh, thiếu kinh phí duy trì hoạt động hồ bơi, thiếu giáo viên dạy bơi đạt chuẩn… Ở địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, điều kiện dạy và học bơi còn thiếu thốn, khó khăn, trong khi đây chính là những khu vực hay xảy ra các vụ đuối nước hơn do có nhiều ao hồ, sông ngòi.

Trách nhiệm dạy bơi cho trẻ, trước hết thuộc về các bậc phụ huynh. Mùa hè, thay vì bắt trẻ đi học thêm, học trước chương trình, phụ huynh hãy đưa trẻ đến các lớp dạy bơi. Tiếp đó, vai trò của nhà trường cũng rất quan trọng. Nhiều chuyên gia đã đề nghị đưa môn bơi trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường để trẻ được học hành bài bản. Song song đó, chính quyền địa phương cần phối hợp tư nhân xây dựng bể bơi và kèm theo các chiến dịch truyền thông phù hợp để phổ cập bơi cho trẻ. Hàng năm, vào dịp hè, các nhà trường, Đoàn Thanh niên và cơ sở tư nhân, nhà nước mở nhiều lớp phổ cập bơi cho trẻ em nhưng số lượng còn khiêm tốn. Nếu phát huy được vai trò của lực lượng Đoàn Thanh niên và xã hội hóa công tác này, sẽ có thêm nhiều trẻ em biết bơi, đồng nghĩa với số ca đuối nước ngày càng giảm.

Bên cạnh đó, nhằm hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ, mỗi gia đình, chính quyền địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan cần tạo môi trường an toàn cho trẻ, không để trẻ có cơ hội và điều kiện tiếp cận các nguồn nước nguy hiểm như ao hồ, sông, hố sâu thông qua việc cắm biển báo, dựng rào chắn cảnh báo.

Phòng còn hơn chống, mong rằng những vụ đuối nước trong thời gian qua là hồi chuông cảnh báo để mỗi bậc phụ huynh, nhà trường, các cấp chính quyền và toàn xã hội cùng chung tay trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, để không còn xảy ra những vụ việc đáng tiếc tương tự.

NGUYỄN ĐỨC

;
.