Sự mạnh mẽ của phái yếu

Thứ Ba, 19/10/2021, 20:32 [GMT+7]
In bài này
.

Chị Khuyên, tổ trưởng tổ dân cư nơi tôi ở, trong suốt mấy tháng qua gần như chỉ về nhà lúc đã khuya muộn để ngả lưng. Vào những giai đoạn cao điểm của dịch bệnh COVID-19, có hôm chị về tới nhà khi trời vừa hửng sáng và lại vội vàng bắt đầu công việc cho một ngày mới chỉ sau vài ba tiếng chợp mắt… Cứ đằng đẵng như thế mấy tháng trời, nhưng chị Khuyên vẫn tươi cười, niềm nở và cho rằng, đó là việc cần, nên làm khi mình đảm nhiệm vị trí mà bà con trong tổ dân cư đã tin tưởng giao phó. Chị Khuyên là lực lượng tuyến đầu chống dịch ở khu dân cư, nơi được coi là “pháo đài” quan trọng, nơi gần với cộng đồng, gần với mỗi người dân nhất. 

Tổ dân cư nơi tôi ở, cũng có vài ba chục căn phòng trọ, nơi những người lao động tự do, công nhân lao động tạm trú, chị Khuyên vừa lo chống dịch cho bà con, vừa lo vận động ủng hộ nhu yếu phẩm cho những khu trọ trong suốt mấy tháng phải ngưng việc, ở nhà chống dịch. Có lẽ ngày 20/10 năm nay là sự kiện khó quên đối với chị Khuyên, khi mà thay vì được tổ chức buổi họp mặt tưng bừng, chị Khuyên vẫn dậy sớm, thức khuya, hỗ trợ các lực lượng chức năng tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho bà con. Đầu giờ sáng, chị vẫn tranh thủ đi chợ, chuẩn bị một bữa cơm đầm ấm cho gia đình vào cuối ngày.

Còn chị Minh, một bác sĩ mà tôi quen, gần 3 tháng trời khi dịch bệnh bùng phát, chị Minh gần như bám trụ ở cơ quan để chống dịch. Nửa đêm về sáng, khi có ca nghi mắc COVID-19 chị lại xuống địa bàn, cùng anh em tham gia truy vết, xử lý ổ dịch… Có những ngày gần như không ngủ, chị chỉ tranh thủ chợp mắt hay ăn vội suất ăn nhanh để tiếp tục công việc, sao cho sớm chặn đứng nguồn lây để dịch không bùng phát. Cũng như nhiều chị em tham gia tuyến đầu chống dịch, chị Minh đã sắp xếp công việc gia đình một cách ổn thỏa, lo cho chồng con có đầy đủ lương thực, thực phẩm dự trữ, cắt đặt việc nhà đâu vào đấy.

Trong suốt những tháng ngày qua, khi dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng ở tỉnh BR-VT, chị em phụ nữ, tùy theo vị trí của mình, mỗi người đã cùng chung tay với các lực lượng chức năng để chống dịch. Nơi tuyến đầu, lẫn hậu phương, ở mọi lực lượng đều có sự chung sức của chị em. Và trong những ngày tháng căng thẳng ấy, vai trò của chị em càng được thấy rõ. “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” đã quá quen thuộc qua các cuộc đấu tranh chống ngoại bang xâm lược, giành độc lập tự do lại một lần nữa được khẳng định khi dịch COVID-19 bùng phát.

Trên mỗi “mặt trận”, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội các chị em cùng thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong. Trong gia đình, các chị em làm tròn vai là vợ, là mẹ, ở xã hội, các chị em là “một nửa thế giới”, cùng chung vai gánh vác công việc ở cộng đồng, ở các cơ quan, đoàn thể… “Phái yếu” nhưng không yếu là như thế.

Ðối mặt với cảnh nước mất nhà tan có không ít "má hồng" đã vượt lên định kiến khắc nghiệt của chế độ phong kiến, cưỡi ngựa, cầm gươm xông pha trận mạc đánh đuổi giặc ngoại xâm trở thành các nữ anh hùng của dân tộc được lưu danh sử sách. Ðầu công nguyên có Hai Bà Trưng, sau có Triệu Thị Trinh: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá kình ngoài biển Ðông...”; 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc có nhiều nữ anh hùng như Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Thị Ðịnh, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Út (Út Tịch),...

Khi đất nước hòa bình, nam - nữ được bình quyền, nhiều phụ nữ đã thoát khỏi cái bóng của nam giới mạnh dạn, tự tin bước vào chốn thương trường tạo dựng thương hiệu và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động; hay say mê nghiên cứu khoa học, chịu khó học hỏi để trở thành những nữ cán bộ chủ chốt, nhà ngoại giao tài năng, trong số họ có nhiều người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Giang sơn gấm vóc Việt Nam là do phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Trong bản Di chúc, Người viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên”.  

“Phái yếu” là để yêu thương, “một nửa thế giới” là để cùng chung vai, sát cánh với "phái mạnh", để khi “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Ngày 20/10, ngày phụ nữ Việt Nam cũng là để tôn vinh các chị, các mẹ và ôn lại truyền thống vẻ vang ấy…

HẠ VY

;
.