.

Thưởng Tết "thời COVID-19"

Cập nhật: 17:20, 20/12/2020 (GMT+7)

Còn chưa đầy 2 tháng nữa là Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Những ngày này, chuyện thưởng Tết đã bắt đầu “nóng” trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Người lao động (NLĐ) cũng hỏi nhau “đã biết mức thưởng Tết chưa, nhiều hay ít hơn Tết năm rồi?”.

Nếu như thời điểm này năm trước, Bộ LĐTBXH đã công bố thông tin về tình hình tiền lương năm 2020, thưởng Tết năm 2021, NLĐ từng doanh nghiệp (DN) cũng đã biết rõ mình được thưởng Tết bao nhiêu, thì năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các DN báo cáo thưởng Tết muộn hơn so với mọi năm, dự kiến cuối tháng 1/2021 mới có thông tin thưởng Tết chính thức…

Chưa bao giờ chuyện thưởng Tết lại mang đến nhiều nỗi niềm, cung bậc cảm xúc cho NLĐ cũng như chủ DN như năm nay. Dịch COVID-19 ập đến khiến nền kinh tế cả thế giới năm 2020 chao đảo, các DN Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều DN rơi vào tình trạng làm ăn thua lỗ, hoạt động cầm chừng. Một số DN phải nhờ vào sự “giải cứu” của Chính phủ để có thể “sống sót” vượt qua đại dịch. Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) là một ví dụ. Do khó khăn vì dịch COVID-19, tổng số lao động của VNA đã giảm hơn 1.600 người so với năm 2019. Trong năm, VNA đã nhiều lần phải điều chỉnh lương của lãnh đạo và NLĐ xuống thấp, vì vậy chuyện thưởng Tết với DN này càng không được đặt ra. Các ngành du lịch, dệt may cũng “ngấm đòn” COVID-19. Năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80%, khách du lịch nội địa giảm 45%, tổng thiệt hại lên tới 23 tỷ USD. Những tháng cuối năm, mặc dù thị trường du lịch đã phục hồi nhưng nhiều DN du lịch vẫn chưa kịp gượng dậy. Ngành may mặc, da giày cũng “bi đát” không kém. Đã có tới hàng trăm công ty may mặc vừa và nhỏ phải giải thể; Nhiều DN không có đơn hàng phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm lao động, khiến công nhân mất việc hoặc giãn việc. Thưởng Tết đối với các ngành này do vậy cũng là chuyện xa vời. 

Khi chủ một DN than rằng họ đang “lo bạc tóc” chuyện thưởng Tết cho NLĐ, chưa biết xoay xở ra sao, thì đó là lời than tự đáy tâm can. Thưởng Tết là một tập quán đẹp, một sự tưởng thưởng có tính chất ghi nhận công lao đóng góp của NLĐ trong một năm. Đó còn là một yếu tố để giữ chân NLĐ gắn bó lâu dài với DN. Vì vậy, không lo được chuyện thưởng Tết cho NLĐ bằng lương tháng 13, tổ chức xe ô tô miễn phí đưa những người có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết là điều trăn trở, chủ DN cũng sẽ rất buồn!

Lâu nay, các DN trả lương, thưởng cho NLĐ khác nhau tùy theo vị trí công việc, ngành - nghề sản xuất, kinh doanh. Nhưng cho dù là loại hình DN nào, ngành nghề nào, tâm lý của NLĐ cũng đều mong muốn có một khoản tiền thưởng để mua sắm cho gia đình có cái Tết vui vẻ, đủ đầy. Thế nhưng, Tết Tân Sửu 2021 là năm đầu tiên thực hiện Luật Lao động, có hiệu lực từ 1/1/2021. Theo đó, thay vì chỉ thưởng bằng tiền, quy định mới cho phép mở rộng hình thức thưởng (gồm cả thưởng Tết) bằng hiện vật hoặc dịch vụ. Mức thưởng căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Do vậy, nếu như một DN nào đó thưởng Tết cho NLĐ bằng hàng hóa, cổ phiếu, các chuyến tham quan du lịch thì cũng không là chuyện lạ. Trong hoàn cảnh đó, mong ước chung của NLĐ là nhận được những “hiện vật Tết” thiết thực, hữu ích thay vì những món quà mà bán chẳng xong, đem về cũng chẳng được. 

Để bảo đảm quyền lợi cho công nhân, NLĐ trong thời điểm Tết đến Xuân về, cơ quan chức năng - nhất là ngành lao động, thương binh và xã hội chắc chắn sẽ nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của DN, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các DN thực hiện đúng các chế độ chính sách đối với NLĐ; Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chế độ giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi, làm thêm giờ, trả lương, trả thưởng; không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ đọng BHXH của NLĐ. 

Thưởng Tết “thời COVID-19” có những nỗi niềm, băn khoăn, trăn trở như thế, trở thành một áp lực đè nặng lên những DN làm ăn không hiệu quả và cả NLĐ. Sau cơn mưa trời lại sáng. Hy vọng năm tới, khi dịch COVID-19 bị đẩy lùi, việc sản xuất kinh doanh của các DN hanh thông, thuận lợi, có lãi lớn, NLĐ sẽ nhận được mức thưởng “khủng” khi Tết đến Xuân về. 

NGUYỄN HƯNG NHƠN

 
.
.
.