.

Kinh doanh online và nghĩa vụ nộp thuế

Cập nhật: 21:08, 21/04/2020 (GMT+7)

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người tiêu dùng đã chuyển qua mua hàng trực tuyến để giữ an toàn cho cộng đồng và bản thân. Có cầu thì có cung, nhiều “cửa hàng online” ra đời. Kênh mua sắm online “lên ngôi” với nhiều ưu thế như hàng hóa phong phú, thanh toán thuận lợi, việc giao hàng khá nhanh khiến người mua cảm thấy hài lòng. Không ít người tiêu dùng “tuyên bố” khi dịch COVID-19 qua đi, họ cũng sẽ duy trì hình thức mua sắm này. 

Đáng chú ý là bên cạnh website bán hàng trực tuyến của các công ty, DN, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát cũng là lúc các “cửa hàng online” trên Facebook của các cá nhân nở rộ, trở thành “điểm hẹn” quen thuộc của nhiều người tiêu dùng. Nếu như trước đây, người kinh doanh online thường chỉ bán các mặt hàng mỹ phẩm, thời trang thì nay họ bán cả những sản phẩm thiết yếu. Từ rau củ, quả, trái cây cho đến thịt heo, thịt bò, thịt gà, tôm, cua cá đến nước mắm, muối, đường, dầu ăn, mì gói. Các món ăn sáng và trưa như bánh mỳ, bún, phở, cơm, cháo, xôi, lẩu… hoặc các món ăn vặt như chè, bánh rán, nem chua rán, pizza, khoai tây chiên, khoai lang chiên… cũng đều có đủ. Nói chung, các nhà hàng, chợ truyền thống có mặt hàng gì thì trên chợ online có mặt hàng đó, nhằm giúp người dùng dễ dàng tiếp cận và mua sắm tại nhà, hạn chế đến chỗ đông người. 

Nhiều người đã nói về lợi ích của việc mua bán hàng online, đó là điều không thể phủ nhận. Ở đây chỉ đặt vấn đề việc quản lý và thu thuế hoạt động kinh doanh online - hình thức kinh doanh phi truyền thống sẽ được thực hiện như thế nào để bảo đảm tính minh bạch và công bằng? Phải dông dài như thế là vì theo các nhà chuyên môn, lâu nay việc giám sát thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử chỉ tập trung vào các “ông lớn” là công ty, DN kinh doanh trực tuyến, còn những cá nhân kinh doanh tự do, không đăng ký kinh doanh, không tự giác kê khai và nộp thuế thì chưa được chú trọng, từ đó chưa có biện pháp thu thuế thích hợp nhằm bảo đảm công bằng giữa các đối tượng nộp thuế và tránh thất thoát thuế.  

Kinh doanh thì phải có nghĩa vụ nộp thuế. Thế nhưng, một nhận định của TS Mai Thị Ánh Tuyết, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khiến người ta phải giật mình: Thất thu thuế từ hoạt động kinh doanh online tại Việt Nam ước tính lên tới hàng tỷ USD mỗi năm do các cơ quan quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý đối với hoạt động kinh doanh còn khá mới mẻ nhưng lại phát triển vô cùng mạnh mẽ này. 

Thực trạng này đòi hỏi ngành thuế và các cơ quan chức năng tìm giải pháp để có thể kiểm soát tốt việc thu thuế các hoạt động kinh doanh online mà vẫn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, người dân được tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật. 

Vẫn biết giao dịch thương mại trên nền tảng internet là giao dịch xuyên biên giới,  các công ty vận hành mạng nước ngoài hầu hết không đăng ký kinh doanh và không có văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam, việc xác định chính xác doanh thu phát sinh, quy mô kinh doanh, quá trình giao dịch của người kinh doanh online rất phức tạp. Nhưng, khó không có nghĩa là không làm được. Xin được nhắc lại, hồi cuối năm 2017, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã truy thu một cá nhân kinh doanh mỹ phẩm qua mạng số tiền gần 9,1 tỷ đồng từ việc đối chiếu thu nhập kê khai và thu nhập thực tế. Kết quả cho thấy, chênh lệch doanh thu theo kê khai và doanh thu thực tế (thể hiện qua số tiền được chuyển vào tài khoản cá nhân) lên đến hơn 400 tỷ đồng. 

Luật Quản lý thuế sửa đổi được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020) mang đến kỳ vọng sẽ quản lý thuế có hiệu quả đối với cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội, ngăn chặn được tình trạng thất thu thuế. Bằng các giải pháp mang tính kỹ thuật cũng như nhiều cơ chế quản lý, giám sát khác - trong đó có sự phối hợp chặt chẽ của ngành thông tin - truyền thông và các ngân hàng thương mại, ngành thuế sẽ đưa công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh online vào nề nếp. 

 HẢI LĂNG

 
.
.
.