Thiên đường xa xôi

Thứ Sáu, 03/01/2014, 06:18 [GMT+7]
In bài này
.

Một anh bạn vừa có chuyến công tác Côn Đảo chia sẻ câu chuyện, anh mua vé máy bay khứ hồi Côn Đảo - TP. Hồ Chí Minh để mở (ngày giờ về do khách tự chọn). Sau một ngày đêm lưu lại Côn Đảo, hôm sau vì có việc đột xuất phải về đất liền, anh liên hệ đại lý vé đặt giờ về và nhận được câu trả lời: các chuyến bay trong ngày đã kín chỗ, nếu muốn bay anh phải trả thêm 400.000 đồng. Lưu lại thêm một đêm tốn khoảng 1,6 triệu đồng – nghĩ vậy, anh chấp nhận móc hầu bao để có vé về ngay trong ngày. Điều bất ngờ đối với anh là khi lên máy bay, vẫn thấy vài ba chỗ trống không giống như đại lý vé đã trả lời trước đó...

Kể câu chuyện trên để thấy rằng, chuyện đi lại giữa Côn Đảo và đất liền đang trở thành lực cản kéo Côn Đảo lùi lại.

Trước đây, có hai hãng hàng không khai thác tuyến Côn Đảo - TP. Hồ Chí Minh là Air Mekong (tần suất 8 chuyến/ngày, sức chứa 90 chỗ/chuyến) và Vietnam Airlines (bình quân 6 chuyến/ngày, ngày cao điểm tăng lên 8 chuyến/ngày, sức chở 65 khách/chuyến). Từ cuối tháng 2-2013, hãng hàng không Air Mekong chính thức ngưng bay thương mại đến Côn Đảo, nên hiện chỉ còn duy nhất hãng hàng không Vietnam Airlines khai thác tuyến bay Côn Đảo - TP. Hồ Chí Minh và Côn Đảo - Cần Thơ. Một mình một đường bay và câu chuyện lình xình vừa kể ở trên đặt ra một dấu hỏi về hiện tượng gây khó dễ cho hành khách. Đó là chưa kể, hiện nay, vé máy bay Côn Đảo - TP. Hồ Chí Minh quá đắt, từ 1,7-1,8 triệu đồng/lượt, trong khi đường bay này ngắn.

Tất nhiên, ngoài máy bay, để đến Côn Đảo còn có tàu thủy (tàu Côn Đảo 09 và Côn Đảo 10). Tuy vậy, sức chứa mỗi tàu có giới hạn (tàu Côn Đảo 09 có 200 giường, 38 ghế ngồi; tàu Côn Đảo 10 có 112 giường, 40 ghế ngồi). Từ tháng 3 đến tháng 9, biển êm, khách du lịch và người dân thường chọn tàu để đi lại nên tàu thường quá tải, nhiều khách không mua được vé dù tần suất xuất bến bình quân 12 chuyến/tháng (đi về là 24 chuyến). Từ tháng 10 đến sau Tết Nguyên đán vào mùa biển động, lịch trình tàu phập phù vì phụ thuộc vào thời tiết. Thêm vào đó, đi tàu dù rẻ hơn đôi chút nhưng mất quá nhiều thời gian - 12 giờ đồng hồ và trang thiết bị trên tàu hầu hết đã xuống cấp không phù hợp với việc vận chuyển khách du lịch.

Côn Đảo đã và đang được Trung ương và tỉnh đầu tư phát triển để trở thành một trung tâm dịch vụ du lịch chất lượng cao. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn đã và đang được đầu tư theo kịp nhu cầu của ngành du lịch tại từng giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, bài toán cần hiện nay lại là khâu vận chuyển. Nếu không mở rộng được sân bay, tăng chuyến bay, đầu tư tàu chuyên phục vụ du lịch thì Côn Đảo vẫn sẽ mãi là “thiên đường xa xôi”.

HOÀNG PHỐ

;
.