Một câu hỏi cũ, chưa lời đáp…

Chủ Nhật, 05/01/2014, 02:25 [GMT+7]
In bài này
.

Hôm 25-12, lần thứ hai trong năm 2013 cá nuôi lồng bè của ngư dân Long Sơn lại chết hàng loạt (lần trước là ngày 15-9). Còn năm 2012, có tới 4 đợt cá chết, xảy ra trên sông Chà Và và sông Rạng vào các tháng 3, 5, 9, 11. Thiệt hại lần nào cũng là tiền tỷ; ngư dân người khánh kiệt, kẻ trắng tay và nghề nuôi thủy sản – thế mạnh nổi trội nhất của Long Sơn - không biết sẽ phát triển thế nào.

Nhìn đàn cá đột ngột chết bất thường, các “lão ngư” có lý để nói rằng nguyên nhân là do nguồn nước bị nhiễm độc chứ không phải do dịch bệnh hay thiên tai.

Ngay cả cơ quan chức năng cũng kết luận, tại những thời điểm xảy ra cá chết, các chỉ số về môi trường nước tại vùng nuôi đều không an toàn. Nhưng ai là chủ của các nguồn chất thải đã làm nhiễm độc cả đàn cá, thì đến giờ vẫn không đủ chứng cứ để xác định, không có căn cứ để xử lý. Cho nên, ngày 27-12-2013, khi phát biểu nguyện vọng của mình, chủ bè Nguyễn Công Biên chỉ nói được rằng, mong nhà nước sớm kết luận nguyên nhân, có biện pháp xử lý để “tình trạng này không tái diễn”.

Lần nào cá chết, nguyện vọng ấy của ngư dân Long Sơn cũng được nêu ra, nhưng câu hỏi này vẫn chưa có lời đáp.

Thật ra, ngày 9-10-2012, HĐND tỉnh có cử một đoàn giám sát đến giám sát tại khu vực nuôi cá lồng ở Long Sơn và tại khu chế biển hải sản Tân Hải, huyện Tân Thành. Đoàn ghi nhận ở thời điểm đó, nước sông Chà Và đang ô nhiễm, còn cống số 6 của khu Tân Hải đang xả nước thải hôi thối đen ngòm ra sông Chà Và. Khu nuôi cá nằm ở cuối sông, nguồn chất thải thì ở đầu sông!

Trước đó, ngày 9-9-2012, cơ quan chức năng đã xét nghiệm mẫu nước để tìm nguyên nhân. Kết quả, hàm lượng sắt (Fe) và đồng (Cu) trong nước cao gấp 5,3 lần giới hạn cho phép; còn hàm lượng ôxy thì thấp do nước bị ô nhiễm bởi hợp chất hữu cơ - điều đó làm giảm khối lượng các loài vi sinh vật và tảo, ảnh hưởng đến sự hô hấp của cá.

Trang tin điện tử của UBND xã Long Sơn có đăng một bài viết, nhắc lại vụ cá, hàu, tôm… nuôi tại đây bị ngộ độc chết hàng loạt xảy ra vào các ngày 24-5 và 2-7-2008. Cũng đặt nghi vấn nguyên nhân là do nguồn thải từ khu chế biến Tân Hải huyện Tân Thành, xã Long Sơn phối hợp với ngành Tài nguyên - Môi trường đi khảo sát thực địa các điểm tại Long Sơn và Tân Hải. Bài trên trang web của xã Long Sơn viết: “Từ bến Cồn Bần tại thôn 7, chúng tôi cho ghe chạy dọc theo dòng sông đến cống xả nước thải của khu chế biến hải sản tại Giòng Than thuộc xã Tân Hải, huyện Tân Thành. Từ cống này, nước có màu đen sệt rất hôi thối do các cơ sở chế biến thải trực tiếp ra sông Rạch Ván  và lan ra các sông Chà Và, Bến Đá thuộc xã Long Sơn. Trên suốt đoạn đường gần 4 km, chúng tôi đều thấy cá chết nổi trên mặt sông, cho thấy mức độ nước sông bị ô nhiễm rất nghiêm trọng”.

Mặc dù kết quả quan trắc và xét nghiệm nguồn nước là như vậy, nhưng đến giờ ngư dân Long Sơn vẫn không thể làm gì hơn để có đủ chứng cứ buộc những chủ nguồn thải cụ thể phải chịu trách nhiệm.

Thiết nghĩ, nếu các kết quả quan trắc và xét nghiệm đã đủ để kết luận nguyên nhân cá chết là do ô nhiễm, thì điều đó nên công khai cho ngư dân biết và sau đó, cảnh sát môi trường nên vào cuộc để chỉ rõ ra những nguồn ô nhiễm ấy “tên” là gì, từ đâu ra. Nếu trước mắt tỉnh chưa thể xử lý được triệt để các nguồn thải này, thì có nên quy hoạch lại vùng nuôi và vận động ngư dân nuôi thủy hải sản tại nơi có khả năng bảo đảm an toàn hơn về môi trường nước hay không?

Đừng kéo dài thêm nỗi thắc thỏm của ngư dân Long Sơn, khi họ cứ nhắc mãi một câu hỏi cũ mà vẫn chưa nghe tiếng trả lời.

HẢI THANH

;
.