Khiếm thị không phải là mù

Thứ Bảy, 04/01/2014, 06:10 [GMT+7]
In bài này
.

Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng, khiếm thị có nghĩa là không nhìn thấy và đương nhiên là mù. Chính vì cách hiểu sai lệch này khiến người khiếm thị phải chịu nhiều thiệt thòi và thường bị xếp chung với người mù. Ngay cả tại trường dành riêng cho người khiếm thị, việc học chung chữ nổi như người mù vẫn còn phổ biến, dù rằng, có không ít trường hợp chỉ cần có quang cụ hỗ trợ là có thể đọc được chữ thường như người sáng mắt. Người khiếm thị cũng không được phục hồi chức năng để cải thiện thị lực, hay ít nhất là không khiến cho tình trạng thị lực tồi tệ hơn.

Số liệu thống kê của cơ quan y tế cũng cho thấy, cả nước có khoảng hơn 2 triệu người bị khiếm thị. Tuy không phải là những người mù, chỉ là thị lực kém, nhưng vì không được chăm sóc, phục hồi chức năng nên nhiều người trong số họ mắt từ nhìn kém, ngày càng kém đi. Tại một hội thảo chuyên đề mới đây do Trung tâm Mắt tỉnh tổ chức với sự hỗ trợ của Viện Thị giác Brien Holden (Australia) cũng phản ánh về thực trạng người khiếm thị còn “bị bỏ rơi” không chỉ riêng tại BR-VT trong chăm sóc sức khỏe về mắt. Cả nước hiện mới chỉ có 2 cơ sở chăm sóc mắt cho người khiếm thị tại Bệnh viện Mắt Trung ương và Bệnh viện Mắt TP.Hồ Chí Minh, nhưng được đánh giá là hiệu quả chưa cao. Còn tại BR-VT việc chăm sóc mắt cho người khiếm thị từ trước đến nay chưa được triển khai. Người khiếm thị vì thế gần như bị coi là mù vì không được hưởng thụ các dịch vụ y tế trong chăm sóc mắt, không được phục hồi chức năng cũng như cung cấp quang cụ cần thiết để cải thiện thị lực.

“Khiếm thị không phải là mù” là khẳng định của những nhà chuyên môn tham gia hội thảo với mong muốn có được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt về y tế cho người khiếm thị để không tước đi quyền được nhìn thấy của họ. Khiếm thị có thể do rất nhiều bệnh lý hay những bất bình thường về mắt gây ra. Một số nguyên nhân thường gặp như: bệnh cận thị cao, sẹo giác mạc, đục thể thủy tinh, bệnh võng mạc sắc tố, bệnh võng mạc đái tháo đường, bệnh thoái hóa hoàng điểm, bệnh glôcôm, bệnh bạch tạng…Tùy thuộc vào mức độ của bệnh có thể gây khiếm thị ở mức độ nhẹ, vừa, nặng và rất nặng. Tuy vậy, với nhiều trường hợp chỉ cần sự hỗ trợ nhằm phục hồi chức năng cũng giúp người khiếm thị cải thiện thị giác. Phục hồi chức năng thị giác cho người khiếm thị bản chất không phải là một phương pháp điều trị để làm thay đổi tình trạng thị giác cho bệnh nhân mà thực chất của nó là dùng các kính trợ thị để cải thiện sức nhìn, hướng dẫn luyện tập cách sử dụng từng loại trợ thị cho từng hoạt động trong cuộc sống và hướng dẫn cho họ cách cải thiện môi trường nhìn, cách định hướng di chuyển… để có thể độc lập trong sinh hoạt. Đây cũng là mục đích hướng đến của dự án hỗ trợ chăm sóc mắt từ Viện Thị giác Brien Holden tại BR-VT khi quyết định thành lập phòng khám khiếm thị. Đây sẽ là cơ sở thứ 3 trong cả nước chuyên chăm sóc mắt, cung cấp các dịch vụ y tế liên quan đến mắt, kể cả quang cụ dành riêng cho người khiếm thị. Và là phòng khám đầu tiên với mô hình chăm sóc mắt, phục hồi chức năng được thực hiện tại BR-VT dành riêng cho người khiếm thị. Không riêng người lớn mà cả trẻ em khiếm thị sẽ được khám, chỉ định các phương pháp trợ thị và hướng dẫn các kỹ năng tự phục vụ để có thể theo học, hòa nhập tại các trường bình thường. Dự án cũng chăm sóc cho những người khiếm thị trưởng thành.

Dự kiến, năm 2014, phòng khám khiếm thị sẽ được triển khai thí điểm tại Trung tâm Mắt tỉnh với sự hỗ trợ của Viện Thị giác Brien Holden, mở ra cơ hội cho người khiếm thị được nhìn thấy, tự tin hòa nhập cộng đồng và được hưởng lợi từ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe về mắt.

SƠN TRÀ

;
.