Làm gì để có sản phẩm du lịch?

Chủ Nhật, 22/12/2013, 01:46 [GMT+7]
In bài này
.

Để phát triển du lịch, để giữ chân du khách khi đến với Bà Rịa - Vũng Tàu phải có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo. Điều này đang được các ngành chức năng, các địa phương của tỉnh nhận ra và xem như là một giải pháp để giúp ngành du lịch của tỉnh nhà khắc phục những hạn chế để phát triển. Nhưng làm sao để có những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách? Có nhiều người cho rằng phải có những dự án đầu tư lớn vào các dịch vụ vui chơi giải trí hiện đại? Thực tế không hẳn như vậy.

Tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa V, khi đề cập đến lĩnh vực du lịch, ông Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kể rằng ông vừa có chuyến thăm địa đạo Long Phước (TP. Bà Rịa). Ông nói đến đây mới thấy càng thêm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương và cho rằng địa đạo Long Phước sẽ trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo nếu chúng ta biết cách làm cho nó sống lại để phục vụ khách du lịch. Hôm ông tới đây bắt gặp cả đoàn khách nước ngoài tới thăm. Tuy nhiên, đáng buồn thay, khu địa đạo Long Phước hiện không có người tiếp đón, không có người hướng dẫn du lịch. Nhà vệ sinh không bảo đảm. Điều đó cho thấy rõ ràng là chúng ta có cái để làm sản phẩm du lịch mà không biết phát huy.

Cũng đề cập đến sản phẩm du lịch, theo ông Trần Văn Một, Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, tỉnh còn thiếu sự đầu tư đúng tầm đối với những địa danh có các di tích lịch sử như nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu ở Đất Đỏ, những di tích, thắng cảnh của TP. Vũng Tàu… Ông Một cho rằng, tỉnh nên thay đổi tư duy trong cách làm du lịch và có định hướng để có những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của vùng và du lịch tâm linh. Việc kêu gọi xã hội hóa trong xây dựng các khu di tích lịch sử, văn hóa gắn với xây dựng khu sinh vật cảnh sẽ tạo nên sức hút đối với khách du lịch. Việc quy hoạch các khu du lịch tâm linh, các cụm chùa ở Phước Hải, Tượng đài chị Võ Thị Sáu, Thích ca Phật đài, Niết Bàn Tịnh xá… lên tầm cơ sở du lịch cấp tỉnh và đầu tư đúng mức cho những di tích này chắc chắn sẽ tạo cho du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu một diện mạo mới để qua đó lấy lại thương hiệu du lịch cho tỉnh nhà.

Cũng tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, khi đề cập đến du lịch, ông Hồ Văn Lợi, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trên cơ sở nêu lên những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về du lịch đã chỉ ra những mặt còn hạn chế của ngành du lịch và giải thích tại sao du khách đến ở BR-VT không lâu. Trong đó ông cũng thừa nhận các loại hình du lịch của tỉnh hiện còn chưa đa dạng, manh mún, sản phẩm du lịch còn đơn điệu chưa đáp ứng nhu cầu du khách. Ông cho biết cùng với nhiều giải pháp để thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển, như kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các khu vui chơi, giải trí, tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, quảng bá các loại hình du lịch biển, các khu sinh thái, trong thời gian tới ngành du lịch sẽ chú trọng việc phát huy các cơ sở di tích lịch sử văn hóa, tín ngưỡng, các lễ hội truyền thống cũng như các món ăn mang đặc trưng đậm nét về ẩm thực của các địa phương trong tỉnh. Trên tinh thần đó, trong chương trình Khai hội Văn hóa - Du lịch đầu xuân Giáp Ngọ 2014, những di tích lịch sử văn hóa được chọn là điểm nhấn của lễ hội năm nay.

Như vậy, khi chưa có thêm những dự án mới, với thực trạng và trong tầm tay mình, chúng ta tin rằng với một tư duy mới, tầm nhìn mới cùng với cách làm du lịch theo đúng nghĩa của nó, ngành du lịch từ hệ thống di tích lịch sử văn hóa và các thắng cảnh trên địa bàn, hoàn toàn có được những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn để thu hút du khách đến với Bà Rịa - Vũng Tàu.

HÀ NHÂN

;
.