Cô người làm của chị tôi bữa thì xin tới trễ một giờ, bữa thì xin về sớm nửa tiếng. Chị tôi vẫn vui vẻ: “Ừ, em cứ lo cho xong việc đi”. Chị quay sang tôi giải thích: “Con bé nhà nó mới hơn một tuổi, mới đưa đi gửi thử ở nhóm trẻ gia đình nên nó lo. Nghe đâu có bữa cũng phải tới ngồi ru con ngủ, sẵn thì quan sát phòng ở, chỗ chơi có an toàn không, chăm sóc trẻ có chu đáo không. Rồi lại có hôm tới đón sớm, để bất ngờ ghé vô “kiểm tra đột xuất” coi quần áo bé có bị ướt lạnh, “cô giáo” có uýnh con mình không”. Coi nó vậy chớ lanh lẹ, rành rõi lắm”.
Câu chuyện của cô người làm khiến tôi nảy ra ý tưởng so sánh, dù là khập khiễng: Các cấp quản lý chuyên môn ngành giáo dục và chính quyền địa phương có bao giờ nghĩ đến việc khảo sát thực tế và kiểm tra đột xuất để biết được thực trạng chăm sóc, nuôi dạy trẻ ở mạng lưới các nhà, nhóm giữ trẻ mầm non tư thục? Những cuộc viếng thăm bất ngờ chắc chắn sẽ giúp các nhà quản lý không chỉ nắm bắt được đúng tình hình thực tế, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm, ngăn chặn nguy cơ dẫn đến tổn hại tinh thần, thể chất của trẻ mà còn gợi ra những ý tưởng mới về chiến lược, sách lược quản lý và điều hành công tác giáo dục trẻ mầm non phù hợp với mô hình nuôi dạy trẻ tại từng địa phương.
Và nếu có như vậy thì sẽ không có những sự tổn hại đến trẻ như vụ “bảo mẫu hành xác trẻ” tại nhóm giữ trẻ ở Biên Hòa hồi năm ngoái, ở Thủ Đức năm nay và thậm chí còn làm chết trẻ vào ngày 19-12 cũng tại một nhóm trẻ không phép ở TP.Biên Hòa.
Xung quanh các vụ việc trẻ bị hành xác, dư luận lên án mạnh mẽ hành vi tàn ác cũng như kỹ năng sư phạm yếu kém của các bảo mẫu. Nhưng cũng nhiều ý kiến phản đối gay gắt với sự buông lỏng quản lý của ngành giáo dục và chính quyền địa phương đã để xảy ra những sự việc đau lòng này. Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phản ứng gay gắt: “Tôi không thể nào chấp nhận được những hành vi quá dã man ấy. Cho trẻ con ăn mà cứ tống, nhồi nhét rồi bịt mũi như vậy rất phản cảm và không có đạo đức. Cho ăn theo kiểu bịt mũi, chẳng may trẻ bị sốc, sặc chết thì ai chịu trách nhiệm?”. Nói về trách nhiệm quản lý, bà Ngô Thị Minh cũng cho rằng: “Chính quyền địa phương không thể vô can được vì anh chưa cấp phép cho trường tư thục này. Một nơi chưa cấp phép mà hoạt động từ năm 2012 không bị xử lý thì rõ ràng đó là trách nhiệm của anh. Anh không thể thiếu trách nhiệm với nhân dân như thế được”. Lý thuyết là như vậy. Nhưng trên thực tế, các nhà quản lý đều có lý do để né tránh trách nhiệm: Nhân sự mỏng, địa bàn rộng; người giữ trẻ mở lớp chui, không báo cáo; phụ huynh tự thỏa thuận và chấp nhận mô hình giữ trẻ nhóm lớp tự do; việc phối hợp quản lý, hỗ trợ chuyên môn cho nhóm tư thục đã được giao cho các trường mầm non công lập theo quy định của Bộ GD-ĐT… Nhưng chính các nhà quản lý chắc chắn cũng biết rằng đó chỉ là bức bình phong, cái lá chắn để che đậy sự lơ là, thiếu trách nhiệm, dẫn đến vô cảm và có tội với người dân, có tội với những đứa trẻ non nớt, vô tội.
“Nếu không có clip đó thì phụ huynh có biết đâu. Vậy còn bao nhiêu trường hợp như thế không được đưa ra ánh sáng?”. Câu hỏi của bà Minh thật hay mà cũng thật đáng để các nhà quản lý “ăn không ngon, ngủ không yên”! “Còn bao nhiêu trường hợp như thế không được đưa ra ánh sáng?”. Câu hỏi này mà tất cả các nhà quản lý chuyên môn là ngành giáo dục – nhất là quản lý bậc học mầm non và các nhà quản lý địa bàn là UBND cấp huyện, thành phố, UBND phường, xã tại địa phương, nếu nghe được, hiểu được thì chắc chắn họ sẽ biết phải làm gì để được ghi nhận là những động thái tích cực, để làm giảm đi những nguy cơ gây tổn hại đến những đứa trẻ trong công tác nuôi dạy trẻ mầm non tại địa phương.
QUỐC THÁI