Doanh nghiệp phải tự đổi mới

Thứ Hai, 09/12/2013, 06:24 [GMT+7]
In bài này
.

Năm 2013 sắp qua với muôn ngàn thử thách đối vối cộng đồng doanh nghiệp. Theo số liệu từ Cục quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch - đầu tư), trong tháng 11, số doanh nghiệp giải thể và tạm dừng hoạt động lên tới hơn 5.000, đẩy tổng số doanh nghiệp phải giải thể, dừng hoạt động trong 11 tháng đầu năm 2013 lên con số không nhỏ: 54.932 doanh nghiệp (tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2012). Số liệu này cũng cho thấy tình hình kinh tế vẫn khó khăn và doanh nghiệp vẫn chịu sức ép rất lớn. Do vậy, ngay từ thời điểm này, tự thân mỗi doanh nghiệp cần nhìn nhận những thách thức và cơ hội trong năm 2014 để có sự điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả. 

Trên bình diện quốc tế, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, năm 2014, tình hình kinh tế thế giới sẽ có những chuyển biến tích cực, tăng trưởng toàn cầu về cơ bản đang trên đà phục hồi, nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro và chưa vững chắc. Bên cạnh đó, các cam kết FTA mới mà Việt Nam tham gia với mức độ tự do hóa và chuẩn mực cao hơn, tốc độ nhanh hơn... đang đặt ra cho các doanh nghiệp các thách thức mới. Không những thế, cường độ cạnh tranh cả trong nước và khu vực tăng mạnh (từ các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp Trung Quốc và nhất là các nước ASEAN từ sau năm 2015). Đây sẽ là những vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt đề tìm phương cách thích ứng hiệu quả nhất trong quá trình phát triển.

Ở trong nước, năm 2013, tình hình kinh tế đất nước tuy đã có những dấu hiệu cải thiện (kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát về cơ bản được kiềm chế…) nhưng vẫn đang phải đối diện với những thách thức ngắn hạn như: Nợ xấu của hệ thống ngân hàng, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, hàng tồn kho, sự trì trệ của thị trường…

Thách thức là vậy, nhưng doanh nghiệp cũng có không ít cơ hội để phát triển. Đó là việc trong năm 2014, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện 3 khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2020 đã được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Trong đó, Chính phủ đặc biệt quan tâm về thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, điều này sẽ giúp nền kinh tế dần ổn định và tăng trưởng theo hướng bền vững. Đồng thời, việc tái cơ cấu nền kinh tế tạo nên những cải thiện trong môi trường kinh doanh, phân bổ nguồn lực và chính sách khuyến khích công bằng, hiệu quả hơn. Mặt khác, khi tham gia vào quá trình toàn cầu hóa việc cải thiện môi trường kinh doanh có thể đến từ các FTA mới như EPA, TPP và EU; đây sẽ là cơ hội thương mại và thu hút đầu tư về mọi mặt cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Sau những khó khăn của nền kinh tế vừa qua, các doanh nghiệp cũng đã thấy rõ được tầm quan trọng phải thay đổi phương thức quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển trong dài hạn. Điều quan trọng là các doanh nghiệp đã đổi mới tư duy và cách thức phát triển dựa vào công nghệ, sáng tạo để tăng năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Hơn lúc nào hết, ở vào thời điểm này, mỗi một doanh nghiệp phải nhìn lại mình, tự làm mới mình, phải hợp tác và tái cấu trúc nguồn nhân lực. Chỉ có như vậy, các doanh nghiệp mới biến thách thức trở thành cơ hội để phát triển.

MINH QUANG

;
.