Hơn 2,1 tỷ đồng là số tiền các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ chống buôn lậu, chống sản xuất và kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm…xử phạt 344 trường hợp vi phạm trong tổng số 1.587 tổ chức và cá nhân kinh doanh thương mại-dịch vụ trên địa bàn tỉnh được kiểm tra từ đầu năm đến nay. Con số này đã nói lên sự cố gắng của các lực lương chức năng trong công tác quản lý thị trường. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số xử lý những vi phạm bề nổi trong khâu lưu thông, chứ chưa triển khai được việc kiểm tra một cách căn cơ để xử lý bản chất vi phạm của các cơ sở, cá nhân làm ăn gian dối.
Buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng hóa không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm luôn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, vào dịp cuối năm, khi mà nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trong dịp Tết nguyên đán tăng lên, các đối tượng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm càng đẩy mạnh hoạt động với nhiều phương thức tinh vi và tập trung vào các mặt hàng nhạy cảm, có lợi nhuận cao. Để phòng chống, nhiều người cho rằng, phải nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các lực lượng chức năng, ưu tiên bố trí kinh phí, tăng thêm nhân lực, trang bị các phương tiện kiểm định nhanh chất lượng hàng hóa để có thể áp dụng các biện pháp xử lý kịp thời. Có như vậy mới giúp họ đủ điều kiện để tập trung kiểm tra, kiểm soát , làm tốt công tác dự báo, nắm chắc diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa; làm rõ các phương thức, thủ đoạn, rút ra các quy luật hoạt động của các đối tượng buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng hóa không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để kịp thời đề ra các biện pháp phòng chống hiệu quả. Cũng không ít người cho rằng, song song với việc tăng cường lực lượng, trang thiết bị nghiệp vụ cần tăng cường kỷ cương kỷ luật hành chính, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ cán bộ, công chức các lực lượng chức năng làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm…
Năm 2013 sắp kết thúc, Tết nguyên đán Nhâm Ngọ 2014 đã cận kề, đây là thời điểm hoạt động mạnh mẽ của các đối tượng buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng gian hàng giả, hàng hóa không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, duy trì môi trường lành mạnh, bên cạnh sự nỗ lực của các ngành chức năng, chính quyền các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức đoàn thể, người dân tham gia đấu tranh chống buôn lậu, hàng gian hàng giả, khuyến cáo người tiêu dùng tẩy chay hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; kịp thời cung cấp thôn tin cho các cơ quan chức năng nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm để xử lý kịp thời…
Công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả, hàng hóa không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được Chính phủ coi là nhiệm vụ quan trọng và giao cho nhiều ngành, nhiều lực lượng tổ chức thực hiện, vì vậy, ngoài việc tăng cường lực lượng biên chế và phương tiện phục vụ công tác, rất cần sự phối hợp đồng bộ, liên minh chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các ngành, các cấp liên quan để kiểm soát thị trường, tránh tình trạng khi thì chồng chéo, khi thì bỏ hổng. Có như vậy công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm mới được tăng cường mạnh mẽ và có hiệu quả.
THANH PHONG