Một thông tin thời sự mới đây được dư luận quan tâm theo dõi với nỗi lo sợ thực sự về an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước ta. Đó là thông tin: Từ ngày 2-12 đến ngày 7-12, tại 2 thành phố: Hạ Long và Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) đã xảy ra 5 vụ ngộ độc rượu làm 15 người phải nhập viện, trong đó có 6 người đã tử vong.
Điều đáng chú ý là tất cả các nạn nhân bị ngộ độc đều uống cùng một chủng loại rượu mang nhãn hiệu “Rượu nếp 29 Hà Nội”, loại can nhựa 2 lít, có nhãn mác ghi của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 29 Hà Nội, lô sản xuất ngày 12-10-2013. Ngay sau khi vụ ngộ độc xảy ra, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Quảng Ninh đã lấy 5 mẫu ngẫu nhiên ngoài thị trường và 2 mẫu còn sót lại của 5 vụ ngộ độc, đưa đi xét nghiệm. Kết quả trong “Rượu nếp 29 Hà Nội” có chứa hàm lượng Methanol cao gấp gần 2.000 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Đây là một loại cồn công nghiệp có đặc tính cao, cấm sử dụng trong ăn uống. Trước những hậu quả nghiêm trọng của các vụ ngộ độc do “Rượu nếp 29 Hà Nội” gây ra, ngày 7-12, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã yêu cầu thu hồi khẩn cấp toàn bộ lô rượu nêu trên trong phạm vi cả nước. Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (theo điều 244 Bộ Luật hình sự) và đang tập trung điều tra làm rõ vụ ngộ độc.
Vụ ngộ độc rượu xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) ở nước ta hiện nay. Chúng ta đang vận động để mọi người đều trở thành “người tiêu dùng thông thái”. Nhưng riêng trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm và nước uống các loại, người tiêu dùng muốn chọn lựa cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bởi thực tế là thực phẩm nào cũng có nguy cơ mất an toàn cao, trong khi công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn nhiều bất cập. Nóng nhất trong thời gian qua là tình trạng các sản phẩm thực phẩm, lương thực có chất cấm và ô nhiễm vi sinh vật. Từ thịt heo có chứa chất cấm tạo nạc, đến cá có tẩm ure, giò chả, bánh phở có hàn the và gần đây nhất là bún có chất cấm tinopal (tạo màu trắng) rất độc hại với người sử dụng. Các loại rau củ quả do các vùng chuyên canh sản xuất hay trực tiếp từ các vùng quê nông thôn chuyển ra chợ bán buôn, bán lẻ … khi được kiểm tra đều cho thấy dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
Phải khẳng định rằng, không phải các cơ quan chức năng chưa ráo riết trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ATTP. Nhưng tình trạng thực phẩm nào cũng có nguy cơ mất an toàn cao và kéo dài là do xuất phát từ ý thức của các nhà sản xuất và các cơ sở dịch vụ. Vì lợi nhuận, họ sẵn sàng gạt bỏ các quy chuẩn về vệ sinh ATTP; sẵn sàng nộp phạt để sau đó lại tiếp tục tái diễn vi phạm. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng cho rằng, dù cán bộ ngành nông nghiệp đã “căng mình” ra để nâng cao chất lượng thực phẩm, nhưng việc phát hiện, xử phạt cơ sở vi phạm cũng chưa được nhiều, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội. Để triển khai có hiệu quả công tác bảo đảm ATTP, nhất là trong dịp trước và sau Tết nguyên đán sắp tới, cần sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền; sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các cơ quan chức năng, trong đó cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý kịp thời các vụ vi phạm.
HOÀNG LÊ