.

BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ: KẺ TÁM LẠNG, NGƯỜI NỬA CÂN?

Cập nhật: 16:16, 30/07/2004 (GMT+7)

Đại hội đảng Dân chủ của Mỹ kết thúc ngày 30-7 đã  chính thức khẳng định John Kerry là ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Đại hội là cơ hội  vàng để ông Kerry  ra mắt trước một bộ phận lớn dân chúng dường như vẫn chưa biết tí gì về ông.

Trong khi John Kerry chọn thượng nghị sĩ John Edwards làm ứng cử viên  Phó Tổng thống Mỹ trong liên danh với ông để có thể thu hút thêm số phiếu của cử tri thì chương trình nghị sự theo đường lối cứng rắn của Edwards lại đang làm nhiều người phân vân và lo ngại. Người ta nhớ lại vào tháng 9-2002, trong khi công chúng ngày càng nghi ngờ những lời kêu gọi của chính quyền Bush về việc tiến hành xâm lược Iraq, thì Edwards đã nhanh chóng lên tiếng biện hộ những lời kêu gọi này trong một bài báo có ký tên  được đăng tải trên tờ Washington Post. Trong bài bình luận của mình, Edwards cho rằng Iraq trên thực tế là “một mối đe dọa nguy hiểm ngày càng tăng”, và do vậy Quốc hội Mỹ nên “chấp thuận việc sử dụng mọi biện pháp  cần thiết để loại trừ mối đe dọa bắt nguồn từ các vũ khí huỷ diệt hàng loạt của Saddam Hussein”.   

Trả lời phỏng vấn trong chương trình “Gặp gỡ với báo chí” tháng 11-2003, về việc liệu ông có hối tiếc là đã trao cho Bush “trên thực tế tấm séc khống để tiến hành cuộc chiến tranh Iraq” hay không, Edwards đã trả lời: “Tôi vẫn tin rằng việc làm này là đúng”.Việc xâm lược Iraq được dư luận rộng rãi coi là sai lầm ngớ ngẩn lớn nhất của chính quyền đương nhiệm và do vậy mà lĩnh vực mà Bush và Phó Tổng thống Dick Cheney dễ bị tổn thương về mặt chính trị nhất. Việc đề cử một liên danh gồm hai thượng nghị sĩ cũng ủng hộ việc xâm lược Iraq do vậy đã tước đoạt mất của những người Dân chủ cái đáng ra là vũ khí hùng mạnh nhất của họ trong chiến dịch tranh cử.   

Do bản chất của tiến trình bầu cử tổng thống cũng như thành tích vượt trội của đảng Dân chủ so với đảng Cộng hoà về vấn đề môi trường, quyền tự do công dân và một số quyền khác, nên phần lớn những người ủng hộ hoà bình và luật pháp quốc tế có khả năng bỏ phiếu cho liên danh Kerry- Edwards. Tuy nhiên, sẽ là ngây thơ nếu coi những lá phiếu của các cử tri này đều là đương nhiên. Nếu những người Dân chủ muốn giành được nhiều lá phiếu của cử tri Mỹ vào tháng 11-2004, thì họ cần phải thuyết phục những cử tri này rằng trong thời điểm xuất hiện những nguy cơ đe doạ quốc tế chưa từng có và những nhu cầu cấp bách trong nước hiện nay, họ sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại và quân sự có trách nhiệm hơn so với chính sách của những người Cộng hoà.   Người dân Mỹ đều biết, bản chất tiến trình bầu cử tổng thống và hồ sơ của đảng Dân chủ bao giờ cũng ưu việt hơn đảng Cộng hoà về các vấn đề môi trường, tự do dân sự và một số vấn đề khác, do vậy rất có thể đa số những người ủng hộ luật pháp hoà bình và quốc tế sẽ bỏ phiếu ủng hộ Kerry và Edwards. 

Thăm dò ý kiến của tờ Los Angeles Times công bố hôm 24-7 cho thấy, đa số dân Mỹ đang không hài lòng với đường đi nước bước của Tổng thống Bush. Đây là xu hướng đáng lo ngại đối với công cuộc tái cử của ông. 54% số người Mỹ nói rằng nước Mỹ đang đi sai hướng. Gần một nửa cho là các chính sách của ông Bush đã làm đất nước tồi tệ đi. Hơn 50% nói rằng cuộc chiến ở Iraq là không công bằng. Có lẽ hầu hết đều là điềm gở đối với ông Bush. Gần 3/5 số người được hỏi cũng nói rằng nước Mỹ không nên đi tiếp con đường mà ông Bush đã đề ra và cần chuyển hướng đi mới. Theo các cuộc thăm dò ý kiến, trong hầu hết mọi vấn đề, nhất là vấn đề quốc nội như kinh tế, y tế và giáo dục, Kerry đều dẫn điểm trước Tổng thống Bush.

Một  trong  những lĩnh vực ít ỏi mà ông Bush vượt qua Kerry là việc điều hành cuộc chiến chống khủng bố. Chính vì thế, tại đại hội đảng lần này, ông Kerry dùng nhiều công sức để  nói về đề tài chống khủng bố. Trong vấn đề đối ngoại, Kerry  chủ trương xây dựng một nước Mỹ có quan hệ tốt với cộng đồng quốc tế, nhất là với Liên hiệp quốc. Về đối nội, Kerry chắc chắn sẽ không bỏ qua đề tài công bằng xã hội, tập trung chỉ trích những chính sách của đối thủ Bush mà ông chứng minh là chỉ có lợi cho người giàu. Khoảng 4/5 những người ủng hộ ông nói rằng  họ chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho ông, cũng tương đương với những người chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho Tổng thống Bush.

Sự liên danh của ông John Edwards cũng phần nào đem lại động lực cho ông, khi mà thăm dò cũng cho thấy đa số người Mỹ cũng mong ông Edwards trở thành Phó Tổng thống hơn đương kim Phó Tổng thống Dick Cheney. Sự bất mãn của cử tri đối với Tổng thống Bush có thể là cánh cửa tiềm năng đối với ứng cử viên đảng Dân chủ John Kerry.  Ông  đang cố gắng hết sức để thu hút sự ủng hộ từ những đối tượng không hậu thuẫn Tổng thống Bush nhưng lại không biết chắc Kerry có khả năng  làm Tổng thống Mỹ không. Đa số người Mỹ muốn cho hướng đi mới, nhưng ông Kerry lại chưa đủ tin cậy đối với họ. Đến lúc này, vẫn còn khoảng 17% cử tri chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai, nhưng những con số trên không có nghĩa là ông Kerry đã giành được lợi thế tuyệt đối. Cuộc chạy đua giữa hai ứng cử viên đang tiếp tục nóng lên đỉnh điểm. Theo thăm dò ý kiến toàn quốc của tờ Los Angeles Times  vừa công bố, ông Kerry hiện dẫn trước sít sao 2% so với Tổng thống Bush về tỷ lệ ủng hộ của  cử tri. Tỷ lệ này sẽ còn thay đổi trong những ngày tới.

An Quỳnh