Với các môn thể thao đậm chất dân gian gắn liền với đời sống lao động, Hội thao các dân tộc thiểu số tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2025 đã khẳng định vai trò của thể thao truyền thống trong việc bồi đắp giá trị văn hóa cộng đồng.
![]() |
VĐV thi đẩy gậy tại Hội thao các dân tộc thiểu số tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2025. |
Hấp dẫn, sôi động
Ngày 26/4, tại Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh (xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức), Hội thao các dân tộc thiểu số tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2025 đã diễn ra trong không khí sôi động, hấp dẫn, khẳng định vị thế quan trọng của thể thao dân tộc trong đời sống văn hóa cộng đồng. Các VĐV thi đấu ở 4 môn gồm: đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, đi cà kheo. Đây là những hoạt động gắn bó mật thiết với lao động, sinh hoạt thường ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số, được lưu giữ và phát triển qua nhiều thế hệ.
Ngay từ sáng sớm, không khí đã rộn ràng. Tiếng reo hò cổ vũ vang khắp sân thi đấu. Nhiều trận kéo co, đi cà kheo... diễn ra kịch tính, hấp dẫn người xem. VĐV thi đấu bằng tất cả đam mê với tinh thần giao lưu đoàn kết.
Ông Dương Văn Rinh (61 tuổi, dân tộc Châu Ro, huyện Châu Đức), người giành giải Nhất bắn nỏ nam chia sẻ, bắn nỏ là môn thể thao truyền thống của dân tộc Châu Ro. Bắn nỏ đòi hỏi sự kiên nhẫn, tập trung cao độ và tâm thế bình thản. Ông học bắn nỏ từ cha, rèn luyện từ nhỏ, chủ yếu là để săn bắt động vật, chim rừng trên rẫy. Từ năm 17 tuổi ông Rinh bắt đầu tham gia các hội thao và nhiều lần đạt giải cao. “Trước khi tham gia thi đấu, tôi tập luyện trong 2 tuần. Để bắn tốt, đòi hỏi sự bình tĩnh tuyệt đối, tập trung cao độ và giữ chắc tay ở thời điểm quyết định”, ông Rinh nói.
Tương tự, chị Dương Thị Kiều (25 tuổi, dân tộc Châu Ro, TP.Phú Mỹ), giành thành tích cao nhất ở các nội dung bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo nữ chia sẻ, hội thao là dịp để giao lưu, học hỏi và tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống. Chị mong muốn hội thao được duy trì thường xuyên để thế hệ trẻ có cơ hội tham gia. “Mong rằng mỗi năm đều có ngày hội như thế này để các thế hệ trẻ như chúng tôi hiểu, yêu và gìn giữ truyền thống”, chị Kiều nói.
Ngày hội lớn của đồng bào dân tộc thiểu số
Thể thao dân tộc bắt nguồn từ thực tiễn lao động sản xuất và đời sống cộng đồng. Kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, đi cà kheo ngoài thể hiện sức mạnh thể chất, chuyển tải những giá trị tinh thần bền vững như sự khéo léo, kiên trì, tình đoàn kết và tinh thần vượt khó.
Xác định tầm quan trọng của thể thao dân tộc trong việc bảo tồn văn hóa, Sở VHTTDL đã đưa hội thao các dân tộc thiểu số vào chương trình thi đấu chính thức của các kỳ đại hội TDTT toàn tỉnh. Việc làm này nhằm khẳng định vai trò thiết yếu của thể thao truyền thống trong việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.
Phong trào thể dục thể thao trong đồng bào dân tộc thiểu số những năm gần đây đã có sự phát triển tích cực. Nhiều môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian đã được khôi phục, tổ chức thường xuyên với quy mô mở rộng, thu hút đông đảo mọi người tham gia. Các hội thi, giải đấu được tổ chức quy mô, phong phú về nội dung, hình thức, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần và thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng”.
(Ông Dương Văn Hạnh, Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo)
|
Ông Phùng Nguyên Tường Minh, Trưởng phòng Quản lý TDTT (Sở VHTTDL) cũng cho biết, hội thao là ngày hội lớn của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm thi đấu và thắt chặt tình đoàn kết. Hội thao còn góp phần bảo tồn, phát huy các môn thể thao truyền thống, nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho đồng bào. Qua đó, ban tổ chức có thể phát hiện những VĐV tiềm năng để bồi dưỡng, chuẩn bị cho hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc sắp tới.
Hội thao các dân tộc thiểu số năm 2025, đã khép lại trong niềm vui trọn vẹn, để lại những dấu ấn đẹp về tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc và góp phần “giữ lửa” các môn thể thao dân tộc, giữ bản sắc văn hóa truyền thống.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG