Từ Indonesia nhìn lại bóng đá Việt Nam

Chủ Nhật, 30/03/2025, 17:38 [GMT+7]
In bài này
.

Sau trận thắng Bahrain với tỷ số tối thiểu 1-0, cơ hội dự vòng chung kết World Cup 2026 trở nên sáng sủa với Indonesia. Đội bóng láng giềng của Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể ở đấu trường châu lục.

Trong khi đội tuyển Việt Nam lãng phí 1 năm với HLV Troussier thì Indonesia (áo trắng) đã tiến rất gần tới tấm vé tham dự World Cup.
Trong khi đội tuyển Việt Nam lãng phí 1 năm với HLV Troussier thì Indonesia (áo trắng) đã tiến rất gần tới tấm vé tham dự World Cup.

Lần gần nhất Việt Nam đi tới vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, chúng ta chỉ giành được 4 điểm: thắng Trung Quốc, hòa Nhật Bản và thua tất cả các trận còn lại trong bảng đấu có Saudi Arabia, Australia và Oman. Ở kỳ World Cup Qatar năm ấy, 3 đội đứng đầu bảng là Saudi Arabia, Nhật Bản và Australia đều giành quyền tham dự, trong khi Trung Quốc, Oman và Việt Nam bị loại.

Sau 8 lượt trận tại vòng loại World Cup 2026, Indonesia đang có 9 điểm, chỉ kém đội xếp thứ 2 là Australia đúng 1 trận thắng. Với 2 trận đấu còn lại gặp Nhật Bản và Trung Quốc, dù không giành vé trực tiếp, họ vẫn có cơ hội đi tiếp thông qua vòng loại thứ 4 nếu giữ vững vị trí thứ 4 bảng C, nơi họ đang hơn Trung Quốc và Bahrain 3 điểm. Cả Đông Nam Á đang chờ đợi một đại diện góp mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh diễn ra tại Bắc Mỹ năm sau.

Nhiều năm trước khi gia nhập AFC, Australia thường xuyên thất bại ở các trận play-off giành vé dự World Cup. Tuy nhiên, kể từ khi chuyển sang bóng đá châu Á, họ chưa từng vắng mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, bắt đầu từ World Cup 2006 tại Đức. Cùng với sự vươn lên của Nhật Bản, Hàn Quốc và Iran, bóng đá châu Á đang ngày càng khẳng định vị thế. Số suất tham dự World Cup của châu lục cũng vì thế mà tăng lên.

Trong khi Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội dưới thời HLV Philippe Troussier, Indonesia lại biết cách tận dụng tình thế. Họ sở hữu đội hình chất lượng với hơn 3/4 tuyển thủ đang thi đấu ở nước ngoài. Điều này tạo ra sự khác biệt rõ rệt, bởi bóng đá Việt Nam chưa đủ năng lực xuất khẩu cầu thủ. Những cầu thủ tài năng trưởng thành trong hơn 10 năm qua như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Hậu đều không thể trụ vững khi ra nước ngoài thi đấu. Vì thế, V-League vẫn là đầu ra quan trọng nhất cho đội tuyển quốc gia, dù chất lượng giải đấu còn nhiều hạn chế.

Việc nhập tịch cầu thủ có thể giúp ích phần nào, nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế. Muốn có đội tuyển mạnh, chúng ta cần nâng cao chất lượng giải đấu trong nước, cải thiện tính cạnh tranh và sức hấp dẫn của V-League. Bên cạnh đó, cần khai thác tốt hơn nguồn cầu thủ Việt kiều. Suốt hơn 20 năm qua, nhiều cầu thủ gốc Việt đã được tiến cử cho V-League và đội tuyển, nhưng từ Ludovic Caset, Mạc Hồng Quân đến Viktor Le, không ai thực sự đạt đẳng cấp cao. Những cái tên đáng chú ý nhất vẫn chỉ là thủ môn Nguyễn Filip và Đặng Văn Lâm.

Như vậy, song song với việc tận dụng nguồn lực bên ngoài, Việt Nam cần đẩy mạnh đào tạo trẻ và nâng cấp hệ thống thi đấu chuyên nghiệp. Chỉ khi nào chúng ta có một nền bóng đá tự cường, mới có thể xây dựng giấc mơ World Cup một cách thực tế. Nếu không, dù FIFA có nới rộng số suất tham dự, chúng ta vẫn chỉ là kẻ đứng ngoài cuộc chơi.

“Một mình tôi không thể đưa bóng đá Việt Nam đến với World Cup. Chúng ta cần sự chung tay, nỗ lực của nhiều bộ, ngành, thậm chí cả chính phủ. Tất nhiên, chúng ta cũng cần thêm nhiều thế hệ cầu thủ giỏi nữa”, cựu HLV Park Hang-seo từng phát biểu sau khi đưa Việt Nam vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

Từ việc “xây nhà từ nóc” như phát biểu của cố HLV Alfred Riedl hơn 25 năm trước, đến việc tiệm cận suất dự World Cup 2022 dưới thời ông Park, bóng đá Việt Nam đã có một bước tiến dài. Tuy nhiên, để giành được chiếc vé dự vòng chung kết vẫn là một câu chuyện khác. Bóng đá Việt Nam cần một cuộc cách mạng thực sự, thay đổi tư duy và cách làm việc. Nếu không, giấc mơ World Cup vẫn chỉ là giấc mộng xa vời.

XUÂN SANG

;
.