Giải Lân Sư Rồng Bà Rịa - Vũng Tàu mở rộng 2025

Đưa môn thể thao - nghệ thuật truyền thống đến gần công chúng

Chủ Nhật, 09/02/2025, 17:56 [GMT+7]
In bài này
.

Trong hai ngày 7 và 8/2, tại Công viên Bãi Trước (TP. Vũng Tàu) đã diễn ra giải Lân Sư Rồng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mở rộng 2025.

Màn múa rắn đẹp mắt tại lễ khai mạc Giải Lân Sư Rồng Bà Rịa - Vũng Tàu mở rộng 2025.
Màn múa rắn đẹp mắt tại lễ khai mạc Giải Lân Sư Rồng Bà Rịa - Vũng Tàu mở rộng 2025.

Thể thao và nghệ thuật hòa quyện

Giải quy tụ 15 đội đến từ các tỉnh thành phía Nam, với gần 400 VĐV tranh tài ở 4 nội dung: trống hội, múa rồng, Lân sư Địa bửu và Mai hoa thung.

Đáng chú ý, sự kiện năm nay có sự góp mặt của nhiều đoàn nổi tiếng như Hải Nam Liên Hữu (TP.HCM), Miếu Bảy Bà (An Giang), Sa Long Cương (TP. Vũng Tàu), Phúc Tâm (Đồng Nai)… Trong đó, đoàn Hải Nam Liên Hữu là đội đang đứng top 5 thế giới.

Gần đây nhất, tại Giải Lân Sư Rồng quốc tế Quận 5 mở rộng lần thứ VII năm 2025, đoàn đã xuất sắc giành giải Nhất ở nội dung múa rồng truyền thống với tiết mục “Niềm vui chiến thắng”, tái hiện trận chung kết AFF Cup. Còn đoàn Lân Sư Rồng Miếu Bảy Bà đã đạt hạng 7 thế giới tại Malaysia và giành hạng Nhất tại Giải Lân Sư Rồng Truyền hình HTV…

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao, múa Lân Sư Rồng từ lâu đã được xem là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Với sự hòa quyện của kỹ thuật biểu diễn tinh tế và sức mạnh thể chất, múa Lân Sư Rồng đã vươn mình từ truyền thống dân gian trở thành môn thể thao - nghệ thuật được yêu thích rộng rãi.

Ông Nguyễn Ngọc Tú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Lân Sư Rồng TP. Hồ Chí Minh cho biết, bộ môn này đòi hỏi sự phối hợp hoàn hảo giữa sức mạnh, sự dẻo dai và tinh thần đồng đội. Ở góc độ nghệ thuật, múa Lân sư rồng mang đậm chất biểu diễn thị giác. Từng động tác được trau chuốt, kết hợp giữa âm nhạc sôi động, sự dồn dập của trống và những bộ trang phục lộng lẫy, tạo nên màn trình diễn mãn nhãn, đầy sức sống.

Những năm gần đây, múa Lân Sư Rồng xuất hiện tại nhiều sự kiện thể thao quốc tế, khẳng định vị thế của bộ môn này không chỉ là biểu tượng văn hóa, mà còn là môn thể thao hấp dẫn mang tầm vóc toàn cầu.

“Múa Lân Sư Rồng là môn thể thao phát triển thể chất, đòi hỏi vận động toàn thân, đặc biệt ở các động tác nhào lộn, giữ thăng bằng và điều khiển linh hoạt trên cột cao”, ông Tú nhận định.

Đưa môn thể thao nghệ thuật truyền thống đến gần công chúng

Lễ khai mạc giải đấu đã gây ấn tượng mạnh với khán giả bằng sự xuất hiện của con rồng lớn nhất Việt Nam, dài 68m, do đoàn Hải Nam Liên Hữu thực hiện. Những bước di chuyển uyển chuyển của con rồng khổng lồ, hòa cùng nhịp trống vang dội, đã tạo nên một không khí lễ hội sôi động, khiến người xem không thể rời mắt.

Đặc biệt, màn trình diễn Mai hoa thung - được xem là đỉnh cao của môn Lân Sư Rồng - đã thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả. Những pha nhào lộn, giữ thăng bằng đầy mạo hiểm trên cọc cao. Càng lên cao, tiếng trống dồn dập càng khuấy động, đưa khán giả vào cao trào mãn nhãn, kết thúc bằng cú chạm đất đầy uy lực và vẻ kiêu hãnh của chú lân chiến thắng.

Một số tiết mục nổi bật cũng đã thu hút sự quan tâm lớn của khán giả như: Trống hội mừng Xuân, Con Rồng Cháu Tiên, Lên rừng, Sư Diệt Cua…

Chị Noemi Silvestri (SN 1996), du khách Ý cho biết, đây là lần đầu tiên chị tới Việt Nam và được chứng kiến giải múa Lân Sư Rồng, chị chỉ biết nói rất thích thú và tuyệt vời. “Tôi thực sự bất ngờ với sự sáng tạo và điêu luyện của màn trình diễn. Đây là lần đầu tiên tôi thấy một môn thể thao truyền thống lại có thể hấp dẫn đến thế”, chị Noemi Silvestri bày tỏ.

Ông Hùng Nguyên Tường Minh, Trưởng phòng quản lý Thể dục thể thao, Sở Văn hóa Thể thao, đại diện Ban tổ chức cho biết, Giải Lân Sư Rồng Bà Rịa - Vũng Tàu mở rộng lần này nằm trong chuỗi hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, mừng các ngày lễ lớn của đất nước. “Chúng tôi mong muốn giải Lân Sư Rồng không chỉ là nơi thi đấu của các đội mà còn là cơ hội để người dân và du khách hiểu hơn về môn thể thao nghệ thuật độc đáo này”, ông Minh nhấn mạnh.

Theo ông Huỳnh Đức Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, việc phát triển múa Lân Sư Rồng theo hướng thể thao chuyên nghiệp vừa bảo tồn giá trị truyền thống, vừa nâng cao sức khỏe cộng đồng, tạo sức hút bền vững cho loại hình nghệ thuật này. “Qua các giải đấu, chúng tôi muốn tạo điều kiện để công chúng tiếp cận và hiểu hơn về môn nghệ thuật đặc sắc trên”, ông Dũng bày tỏ.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

;
.