Trận đấu cuối cùng của Manchester United (M.U) trong năm 2024 giống như khoảnh khắc chiếc lều lớn tại “rạp xiếc” Old Trafford bắt đầu chìm xuống.
M.U đua trụ hạng là viễn cảnh hoàn toàn có thể xảy ra. |
1. Trước đây, những rắc rối của M.U trong thập kỷ qua dường như chỉ giới hạn ở cấp độ mà hầu hết các CLB khác chỉ dám mơ đến: Xếp cuối bảng tại Champions League, đứng thứ 8 ở Premier League nhưng vẫn giành FA Cup, hoặc thua chung kết Europa League với tỷ số luân lưu 11-10.
Tuy nhiên, khi bước sang năm 2025, “tiêu chuẩn” này đang bị kéo thấp xuống mức cơ bản. Sau thất bại 0-2 trước Newcastle, M.U lần đầu tiên thua 3 trận liên tiếp trên sân nhà kể từ năm 1979. Đây cũng là thất bại thứ 6 trên mọi đấu trường trong tháng 12, con số tồi tệ nhất của họ trong một tháng dương lịch kể từ tháng 9 năm 1930. M.U kết thúc năm ở vị trí thứ 14, thứ hạng thấp nhất vào thời điểm này trong mùa giải kể từ năm 1989.
Kể từ khi Amorim nhậm chức vào tháng 11, M.U chỉ giành được 7 điểm trên 24 điểm tối đa có thể, với 2 trận thắng, 1 trận hòa và 5 trận thua. Ngoài ra, họ còn để thủng lưới tới 18 bàn trong tháng 12, mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 1964. Những con số này chỉ ra rằng phong độ của M.U dưới thời Amorim thậm chí còn tồi tệ hơn cả dưới sự dẫn dắt của Erik ten Hag trước đó.
2. Trong bối cảnh này, nhóm xuống hạng đang ngày càng hiện rõ trong gương chiếu hậu, khi chỉ còn cách 7 điểm. Thay vì bác bỏ khả năng phải chiến đấu trụ hạng, Ruben Amorim lại hướng đến nó. “Chúng ta phải thừa nhận vị trí của mình”, ông nói. “Tôi nghĩ mọi người đã mệt mỏi với những lời bào chữa ở CLB này. Đôi khi tôi nói về việc xuống hạng, bởi vì CLB chúng ta cần một cú sốc”. Như thường lệ, Amorim tiếp tục đưa ra những câu trả lời thẳng thắn và đầy đủ. Điều này đã giúp ông tiến xa, giành 2 danh hiệu ở Bồ Đào Nha và nhận công việc thay Erik ten Hag. Tuy nhiên, thật đáng kinh ngạc khi nghe một HLV của M.U nói theo cách này, và tác động lên đội bóng sẽ rất đáng quan sát.
Một cách nhìn mỉa mai có thể cho rằng việc xuống hạng Championship sẽ tạo điều kiện cho sự tái cấu trúc của INEOS, nhưng không ai nghiêm túc lập kế hoạch cho một cú sốc kiểu năm 1974 để khởi động lại CLB.
3. Câu hỏi được đặt ra là, liệu M.U có thực sự đang trong cuộc chiến trụ hạng? Một trong những yếu tố quan trọng giúp M.U tránh xa nguy cơ xuống hạng là kinh nghiệm và khả năng vượt qua khó khăn trong lịch sử. Đội bóng này đã không bị xuống hạng kể từ mùa giải 1973/74 và là 1 trong 6 đội bóng chưa từng rớt hạng kể từ khi Premier League ra đời vào năm 1992.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt tại Premier League, cùng với sự giàu có và mạnh mẽ của các đội bóng kể cả tầm trung, đã khiến cuộc chiến trụ hạng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Dựa trên dữ liệu về số điểm cần thiết để trụ hạng trong các mùa giải trước, trung bình các đội bóng xếp thứ 17 - vị trí ngay trên nhóm xuống hạng - cần có 38 điểm để duy trì vị trí tại Premier League. Trong mùa giải trước, Nottingham Forest đã trụ lại với 32 điểm, cách đội xếp thứ 18 là Luton Town tới 6 điểm.
Nếu M.U tiếp tục giành trung bình 1,15 điểm mỗi trận trong nửa sau mùa giải, họ sẽ kết thúc mùa giải với khoảng 44 điểm, điều này có thể giúp họ trụ hạng một cách an toàn.
Tuy nhiên, nếu đội bóng này tiếp tục phong độ kém cỏi như dưới sự dẫn dắt của Amorim, khi chỉ giành trung bình 0,88 điểm mỗi trận, họ sẽ kết thúc mùa giải với khoảng 39 điểm - mức điểm có thể khiến họ phải đối mặt với cuộc chiến trụ hạng thực sự. Trong mùa giải 2002/03, West Ham đã bị xuống hạng với 42 điểm, con số cao nhất trong lịch sử Premier League đối với các đội xếp ở 3 vị trí cuối cùng trong mùa giải 38 trận.
ANH ĐỨC