.

Đội tuyển Việt Nam và những hạt nhân từ V-League

Cập nhật: 17:17, 13/01/2025 (GMT+7)

Vừa trở lại CLB Thanh Hóa, Doãn Ngọc Tân đã ghi một bàn thắng tuyệt đẹp trong trận đấu ở giải vô địch CLB Đông Nam Á. Ở tuổi 30, cầu thủ này tỏa sáng không phải là bất ngờ nếu đã từng xem anh chơi bóng ở Thanh Hóa, nhưng sẽ khó tưởng tượng anh sẽ chơi như vậy trên đội tuyển quốc gia nếu không có HLV Kim Sang-sik.

Nếu không phải HLV Kim Sang-sik ngồi ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam thì chưa chắc Doãn Ngọc Tân (số 25) đã được triệu tập lên ĐTQG ở tuổi 30.
Nếu không phải HLV Kim Sang-sik ngồi ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam thì chưa chắc Doãn Ngọc Tân (số 25) đã được triệu tập lên ĐTQG ở tuổi 30.

Trường hợp của Ngọc Tân gần giống Minh Châu của Hải Phòng thời HLV Henrique Calisto dẫn dắt đội tuyển Việt Nam với chức vô địch AFF Cup 2008. Trước và sau giải đấu ấy, Minh Châu không phải một cái tên quen thuộc với người hâm mộ cả nước, ngoài CĐV Hải Phòng. Họ được gọi lên đội tuyển chủ yếu nhờ quá trình tìm kiếm nhân sự của HLV trưởng, thông qua những gì họ thi đấu trong màu áo CLB.

V-League không thiếu cầu thủ giỏi nhưng vấn đề của bóng đá Việt Nam là vẫn thường xuyên có sự lạc nhịp, có khi không một chút đồng điệu nào giữa cách chúng ta xây dựng đội tuyển và những gì V-League đang vận hành. Độ vênh này trở nên lớn khủng khiếp dưới thời HLV Philippe Troussier khi nhà cầm quân người Pháp có ý tưởng rất tham vọng là xây dựng hẳn một “CLB của riêng ông” trên đội tuyển để chơi thứ bóng đá mà ông mong muốn. Lý thuyết cũng như thành tích thực tế đã cho thấy đó là thất bại.

Về nguyên tắc, không thể nào thay đổi phong cách bóng đá của giải VĐQG trong ngày một, ngày hai. Có đến 14 CLB, mỗi đội có mục đích riêng và cách chơi riêng, đó là còn chưa kể đến bản sắc, truyền thống của từng CLB nếu họ là những cái tên nổi tiếng trong quá khứ.

Thế nên, dù nhiều hay ít, thì lối chơi của đội tuyển quốc gia phải có những tương đồng nhất định với V-League. Việc chọn lựa HLV và xuất xứ của ông ta cũng có liên quan. Không có gì bất ngờ khi 2 nhà cầm quân đem về danh hiệu cho bóng đá Việt Nam gần nhất đều là người Hàn Quốc. Cả ông Park Hang-seo và Kim Sang-sik đều nổi bật về cách chọn người từ V-League.

Nhưng cũng vì thế mà một lần nữa, câu hỏi đặt ra là làm sao để V-League mạnh hơn, chất lượng hơn và hiện đại hơn. Nếu HLV Park Hang-seo thừa hưởng một thế hệ cầu thủ xuất sắc thì ông Kim Sang-sik chính là người xây dựng đội tuyển từ một quá trình quan sát các giải đấu nội địa.

Cái cách mà HLV Kim Sang-sik “cất” Phạm Tuấn Hải cho đến trận chung kết, hay việc ông bất ngờ tin tưởng vào thủ môn Đình Triệu, đã cho thấy giá trị của một HLV chủ yếu thành công ở cấp CLB mặc dù gần như không có kinh nghiệm trên đội tuyển.

Ngay quyết định điền tên Nguyễn Xuân Son vào danh sách dự giải, có lẽ cũng đến từ đó và cách ông Kim áp dụng lối chơi bóng dài, tấn công biên cũng là một cách mô phỏng xu hướng quen thuộc về chiến thuật tại V-League. Chưa biết ông Kim gắn bó với bóng đá Việt Nam bao lâu, nhưng việc phát triển đội tuyển từ V-League chắc chắn là không thể khác được trong tương lai.

Có một điều đáng tiếc là khoảng 5 năm dưới thời HLV Park Hang-seo và Trousser, giải đấu số 1 Việt Nam không có được vai trò quan trọng trong việc xây dựng đội tuyển. Thế nên mới có trường hợp như của Nguyễn Văn Quyết, nhân vật nổi bật của giải đấu nhưng gần như không được sử dụng hiệu quả trên đội tuyển quốc gia. Ngược lại với Quyết, chính là Doãn Ngọc Tân, người tưởng đã khép lại giấc mơ của đời cầu thủ ở tuổi 30 nhưng có cái kết khá đẹp.

Điều đáng tiếc kế tiếp, chính là V-League vẫn chưa thực sự đạt được những bước tiến mạnh mẽ. Gỉai đấu này thậm chí còn kém về “Chỉ số sức mạnh” của hãng thống kê Opta so với Thai-League, Liga của Indonesia và cả giải Super League của Malaysia. Những nhà tổ chức V-League cũng đã nỗ lực rất nhiều, tiêu biểu như việc áp dụng VAR đầy đủ các trận đấu, nhưng dường như tốc độ tiến bộ về chuyên môn vẫn còn chậm so với kỳ vọng.

LAN ĐỨC

.
.
.