"Cú hích" phát triển thể thao phong trào
Nhân rộng mô hình CLB thể thao từ cơ sở, xã hội hóa tổ chức các giải đấu, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và phát huy các môn thể thao thế mạnh là những điểm bứt phá để phong trào thể dục thể thao (TDTT) trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ.
VĐV tham gia Giải chạy Minh Đạm Discovery Marathon được tổ chức dưới hình thức xã hội hóa. |
Sôi nổi thể thao học đường
Xác định vai trò quan trọng của TDTT đối với sự phát triển của trẻ em, những năm qua, ngoài nâng cao chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Sở VH-TT đẩy mạnh hoạt động thể thao cho HS, SV. Đa số trường học trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai mô hình CLB thể thao, đưa vào giảng dạy và tập luyện nhiều môn như: bóng đá, bóng rổ, cầu lông, bơi, võ thuật… Chủ trương mỗi HS biết chơi ít nhất một môn thể thao đang được nhiều trường áp dụng. Nhờ đó, phong trào TDTT học đường trở nên sôi nổi, đa dạng về hình thức, góp phần giúp các em HS nâng cao thể lực, tạo tinh thần phấn chấn trong học tập.
Ông Lê Văn Mỹ, Phó trưởng Phòng GD-ĐT TP.Vũng Tàu cho biết, ngành giáo dục thành phố chú trọng phát triển toàn diện cho HS. Bên cạnh học văn hóa, ngành cũng tập trung phát triển kỹ năng sống, đưa các bộ môn hoạt động trải nghiệm, TDTT để HS thư giãn sau giờ học. Trong đó, chú trọng phát triển các môn như: bơi, bóng đá, bóng rổ, cầu lông, võ thuật... Hiện nay, tất cả các trường trên địa bàn thành phố (khối TH, THCS, THPT) đều thành lập CLB thể thao. “Với định hướng đúng đắn, đầu tư bài bản, thể thao học đường sẽ tiếp tục có sự phát triển, tạo nền tảng thể chất tốt hơn cho HS”, ông Mỹ nói.
Nhiều giải chạy được tổ chức thu hút đông đảo người dân tham gia. Trong ảnh: VĐV tham gia Giải chạy Châu Đức Discovery Marathon năm 2024. |
Ngành giáo dục cũng duy trì tổ chức hệ thống giải thể thao học đường thường niên nhằm tạo sân chơi bổ ích cho HS. Trong đó, hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) các cấp thu hút đông đảo HS tham gia. Riêng tại HKPĐ tỉnh lần thứ XII năm 2024 có 3.126 HS và 468 cán bộ, HLV tham gia với 12 môn thi đấu là thế mạnh của nhiều trường học như: bóng đá, điền kinh, cầu lông, bơi, cờ vua, bóng rổ, bóng chuyền, taekwondo, vovinam, võ cổ truyền, đá cầu và bóng bàn. Tại HKPĐ toàn quốc năm 2024, Bà Rịa-Vũng Tàu giành 26 huy chương, trong đó có 5 HCV, 7 HCB và 14 HCĐ.
Cùng với đó, các giải thể thao cấp trường, cấp huyện được duy trì đều đặn, tạo điều kiện thuận lợi để HS, SV phát huy tiềm năng, thế mạnh về thể thao. Đây cũng là cơ hội để phát hiện nhân tố tiềm năng cho các đội tuyển trẻ, xây dựng nguồn VĐV thành tích cao cho thể thao của tỉnh.
Tỉnh đã, đang dành sự đầu tư cơ sở vật chất như: sân thể thao, nhà văn hóa, nhà thi đấu… cấp cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT ngày càng cao của người dân trên địa bàn. Đây còn là nơi tổ chức các hoạt động giao lưu thi đấu, các giải thể thao với mục tiêu “giữ lửa” và phát triển phong trào; phát huy hiệu quả các thiết chế VH-TT gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
(Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT)
|
Lan tỏa tinh thần tập luyện thể thao
Một trong những thành công lớn của thể thao phong trào là sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Hiện nay, từ sáng sớm tới tối muộn, tại các cung đường ven biển, công viên, địa điểm công cộng, khu phố... có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân rèn luyện TDTT. Các bộ môn chạy bộ, đạp xe, yoga, nhảy, bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền… được lan tỏa mạnh mẽ, sôi nổi khắp các thế hệ từ người già, thanh niên, trẻ nhỏ.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT cho biết, phong trào tập luyện TDTT không chỉ diễn ra ở mỗi cá nhân đơn lẻ mà thu hút một nhóm là những người có cùng sở thích hay các thành viên trong gia đình, tạo lực lượng đông đảo tham gia các giải đấu phong trào quy mô. Từ nhu cầu thực tiễn, nhiều giải thể thao phong trào do cá nhân, tổ chức, DN tổ chức như giải việt dã, chạy marathon, ngày chạy bộ Olympic, giải bóng chuyền, pickleball… thu hút hàng ngàn người trong và ngoài tỉnh tham gia.
Thể thao học đường đang tạo nền tảng để phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh. Trong ảnh: Các VĐV “nhí” thi đấu tại Giải bóng rổ các trường tiểu học trên địa bàn TP.Vũng Tàu. |
Cũng theo ông Phong, từ phong trào rèn luyện TDTT, nhiều môn thể thao truyền thống của dân tộc như: bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co... được gìn giữ và phát huy hiệu quả tại các dịp lễ, Tết hay ngày hội dân tộc. “Nhận thức của người dân về việc tập luyện TDTT ngày càng được nâng lên, lan tỏa rộng khắp và trở thành thói quen, nếp sinh hoạt lành mạnh. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao sức khỏe của mỗi người dân mà còn tạo nền tảng vững chắc cho phát triển thể chất con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Phong nói.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC