Pep Guardiola - Người thay đổi diện mạo Ngoại hạng Anh
Từ khi Pep Guardiola đặt chân tới Ngoại hạng Anh vào năm 2016, một làn sóng thay đổi lớn đã cuốn qua giải đấu hàng đầu xứ sở sương mù.
Triết lý bóng đá kiểm soát của ông không chỉ mang lại thành công vang dội cho Manchester City, mà còn tạo cảm hứng cho nhiều đội bóng khác. Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm được thành công từ việc học theo phong cách của Pep Guardiola.
Triết lý bóng đá kiểm soát của Pep Guardiola không chỉ mang lại thành công vang dội cho Manchester City, mà còn tạo cảm hứng cho nhiều đội bóng khác. |
Người kiến tạo cuộc cách mạng
Trước khi Guardiola đến Anh, bóng đá xứ sương mù nổi tiếng với phong cách lối chơi thiên về sức mạnh, bóng dài và tốc độ. Nhưng với Guardiola, đó không phải là thứ bóng đá lý tưởng. Ông mang đến một tư duy mới, chú trọng vào việc kiểm soát bóng từ tuyến dưới, xây dựng lối chơi từ hàng phòng ngự với những đường chuyền ngắn, chính xác.
Các con số chứng minh tác động của Guardiola: trước mùa giải 2016/2017, chỉ 51% các pha chuyền bóng của thủ môn tại Ngoại hạng Anh đạt độ chính xác. Con số này tăng lên 71% ở mùa giải hiện tại. Tỷ lệ các pha phát bóng kết thúc trong khu vực phòng ngự tăng từ 17% lên tới hơn 60%. Điều này cho thấy, các đội bóng ngày càng dám mạo hiểm hơn để áp dụng lối chơi từ tuyến dưới, bất chấp những rủi ro.
Manchester City không chỉ áp dụng mà còn hoàn thiện triết lý này, đưa họ lên đỉnh cao của bóng đá châu Âu. Nhưng sự ảnh hưởng của Guardiola không dừng lại ở đó. Phong cách của ông truyền cảm hứng cho hàng loạt HLV khác, từ những tên tuổi lớn như Mikel Arteta (Arsenal) cho đến những HLV trẻ như Russell Martin (Southampton) hay Enzo Maresca (Chelsea).
Russell Martin, HLV của Southampton, coi Pep Guardiola là nguồn cảm hứng lớn nhất trong sự nghiệp. Ông thậm chí treo một câu nói nổi tiếng của Pep Guardiola trong văn phòng mình: “Khi thắng, phong cách của bạn được ca ngợi. Nhưng khi thua, hoài nghi sẽ xuất hiện. Đó là lúc bạn cần tin tưởng hơn bao giờ hết”.
Southampton dưới thời Martin chơi theo phong cách kiểm soát bóng triệt để. Đội bóng này hiện là một trong những đội có số đường chuyền cao nhất giải, nhưng họ cũng đứng cuối bảng xếp hạng. Sai lầm cá nhân và việc mất bóng trong khu vực nguy hiểm khiến Southampton phải trả giá đắt, với 15 lần mất bóng dẫn tới cơ hội nguy hiểm cho đối thủ và 6 bàn thua trực tiếp từ những lỗi này.
Enzo Maresca, một HLV khác chịu ảnh hưởng lớn từ Pep Guardiola, cũng áp dụng triết lý này tại Chelsea. Ông từng làm trợ lý cho Pep Guardiola tại Manchester City và dẫn dắt Leicester thăng hạng nhờ lối chơi kiểm soát vượt trội. Tại Chelsea, 80% các pha phát bóng của đội bóng không vượt qua vòng cấm. Dù vậy, áp lực từ người hâm mộ đôi khi khiến Maresca phải đối mặt với sự hoài nghi.
Nhưng cả Martin lẫn Maresca đều có chung một niềm tin: chỉ cần kiên nhẫn, phong cách Guardiola sẽ mang lại thành công.
Rủi ro và phần thưởng
Tuy nhiên, không phải đội bóng nào cũng đủ khả năng để vận hành triết lý phức tạp này. Những đội bóng nhỏ như Southampton hay Burnley đã gặp không ít khó khăn khi cố gắng áp dụng lối chơi từ tuyến dưới trong một giải đấu đầy áp lực như Ngoại hạng Anh.
Burnley là minh chứng rõ ràng nhất cho những rủi ro của lối chơi kiểm soát bóng. Dưới thời Vincent Kompany, đội bóng này chơi đầy chủ động tại Championship nhưng gặp khó khăn khi thăng hạng. Những sai lầm trong khâu triển khai từ hàng thủ khiến họ phải nhận nhiều bàn thua và cuối cùng phải chia tay giải đấu.
Trong khi đó, những đội bóng như Brighton tìm ra cách dung hòa giữa lý tưởng và thực tế. Dưới thời Roberto De Zerbi, Brighton hiện là một trong những đội bóng hiệu quả nhất khi chơi kiểm soát bóng, nhưng họ từng phải chơi thực dụng hơn trong giai đoạn đầu để xây dựng sự ổn định.
Ngay cả Pep Guardiola, người khởi xướng triết lý này, cũng hiểu rằng, đôi khi cần phải thay đổi để đạt được kết quả. Trong trận đấu quyết định chức vô địch với Arsenal mùa trước, Pep Guardiola từ bỏ lối chơi kiểm soát bóng quen thuộc, chuyển sang chơi bóng dài và sử dụng tiền đạo mạnh mẽ để vượt qua hệ thống pressing của đối thủ.
Sự linh hoạt này là yếu tố then chốt giúp Manchester City duy trì thành công trong suốt nhiều năm qua. Theo thống kê, mùa này, 25% các pha phát bóng của Manchester City là bóng dài - một con số tăng đáng kể so với các mùa giải trước.
Triết lý của Pep Guardiola rõ ràng đã mở ra một hướng đi mới cho bóng đá Anh. Nhưng không phải đội bóng nào cũng có đủ nguồn lực, kỹ thuật và thời gian để vận hành phong cách này một cách hoàn hảo.
Những đội bóng nhỏ hơn thường gặp khó khăn khi đối mặt với áp lực từ các đội bóng lớn. Lối chơi kiểm soát bóng đòi hỏi sự kiên nhẫn, tập trung và cả sự đồng đều về chất lượng cầu thủ - điều mà không phải đội bóng nào cũng có.
Pep Guardiola không chỉ là một nhà cầm quân tài ba, ông còn là một người thầy truyền cảm hứng cho cả một thế hệ HLV trẻ. Sự linh hoạt của bản thân trở thành bài học quý giá, cho thấy rằng thành công trong bóng đá hiện đại đòi hỏi không chỉ tài năng mà còn cả sự thích nghi và đổi mới không ngừng.
Trong bóng đá, không có một công thức thành công nào là duy nhất. Và đôi khi, để đạt được mục tiêu, các đội bóng cần phải biết khi nào nên giữ vững lý tưởng, và khi nào cần linh hoạt để đối mặt với thực tế khắc nghiệt của giải đấu.
LAN ĐỨC