Bước ngoặt giúp võ cổ truyền vươn xa
Luật thi đấu võ cổ truyền mới sửa đổi, bổ sung vừa được áp dụng tại Giải vô địch võ cổ truyền quốc gia lần thứ 33, kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt đưa tinh hoa võ Việt vươn xa.
Võ cổ truyền có nhiều thay đổi về luật thi đấu hứa hẹn sẽ tạo cú hích để phát triển trong tương lai. Trong ảnh: Các võ sinh võ cổ truyền biểu diễn tại Nhà thi đấu tỉnh. |
Nhiều yếu tố thay đổi
Võ cổ truyền đã được đưa vào hệ thống các giải thi đấu quốc gia từ lâu. Tuy nhiên, việc chậm đổi mới về cách thức tổ chức thi đấu so với những môn võ du nhập từ các nước khiến sự phát triển của võ cổ truyền ở nước ta phần nào bị hạn chế.
Sau nhiều nỗ lực của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Giải vô địch võ cổ truyền quốc gia lần thứ 33 vừa tổ chức tại tỉnh Gia Lai là giải đấu đầu tiên được áp dụng Luật thi đấu võ cổ truyền số 128/2024/LĐVTCTVN sửa đổi, bổ sung do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam ban hành.
Theo quy định mới, độ tuổi cho VĐV thi đấu đối kháng được mở rộng từ 17-40 so với trước kia là từ 18-35 tuổi. Đồng thời, số hạng cân thi đấu đối kháng cũng được tăng thêm với sự chênh lệch giữa mỗi hạng cân là 3-5kg, thay vì 5kg như trước. Độ tuổi quy định cho VĐV thi đấu quyền thuật chia thành 3 nhóm: 17-40, 41-50 và 51-60, trong khi quy định cũ là từ 18 tuổi trở lên không giới hạn.
Về trình độ và trang phục, HLV phải có giấy chứng nhận đã qua tập huấn HLV do Cục TDTT tổ chức, phải mặc võ phục theo quy định. VĐV thi đấu đối kháng có chứng nhận cấp 8 trở lên và bắt buộc phải mặc áo thun, quần cộc màu đen theo Luật định. Điều này giúp phân biệt rõ ràng với các môn võ khác, thay vì mặc màu xanh, đỏ như trước đây.
VĐV thi đấu quyền thuật, độ tuổi từ 17-40 phải mặc võ phục theo Luật định, đeo đai vàng và có chứng nhận đẳng cấp như VĐV đối kháng. VĐV thuộc hai nhóm tuổi lớn hơn (41-50 tuổi và 51-60 tuổi) sẽ đeo đai đỏ và có chứng nhận 3 đẳng trở lên. Điều này giúp môn võ cổ truyền tăng khả năng nhận diện hình ảnh, tạo sự nhất quán.
Với việc áp dụng Luật thi đấu võ cổ truyền mới, đây sẽ là cơ hội để võ cổ truyền Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục hoàn thiện, phát huy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Các giải võ cổ truyền cũng sẽ ngày càng được tổ chức khoa học, chuyên nghiệp và thu hút hơn. (Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền tỉnh) |
Về thể thức thi đấu, các nội dung thi đấu quyền thuật sẽ áp dụng thể thức loại trực tiếp một lần thua. VĐV giành HCV có thể phải thi đấu tối đa 3 lần, tùy thuộc vào số lượng người tham dự. Số lượng HCĐ sẽ được tăng lên từ 1 thành 2, so với thể thức cũ chỉ thi đấu một lần duy nhất và trao 1 HCĐ.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra cân nặng, xử lý lỗi kỹ thuật thi đấu, khen thưởng, kỷ luật và nhiều điểm mới khác được quy định tại Điều lệ số 133/ĐL-LĐVTCTVN ban hành ngày 25/7/2024 hứa hẹn những giải đấu hấp dẫn, chất lượng, chuyên nghiệp hơn.
Sau giải đấu năm nay, Cục TDTT và Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam sẽ chắt lọc tinh túy của các môn phái để từng bước chuẩn hóa, nâng cao kỹ thuật, trình độ chuyên môn, thành tích của môn võ cổ truyền. Đồng thời, phối hợp cùng các đơn vị, địa phương tiến hành lựa chọn, nghiên cứu, bảo tồn, phát triển các bài quyền, góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách, quảng bá tinh hoa võ cổ truyền Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Thay đổi để phù hợp
Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền tỉnh cho biết, đây là những thay đổi mang ý nghĩa lớn đối với sự phát triển phong trào võ cổ truyền trong cả nước nói chung và Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng. Sự thay đổi này là phù hợp với xu thế chung hiện nay. Sự thay đổi được kỳ vọng các trận đấu cũng sẽ diễn ra hấp dẫn, kịch tính, công bằng hơn. Qua đó sẽ thu hút nhiều đối tượng tham gia tập luyện, so tài, tạo sự lan tỏa rộng rãi.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC