Việt Nam - Philippines: Sự đối lập về cách dụng quân

Thứ Tư, 05/06/2024, 16:35 [GMT+7]
In bài này
.

Trong danh sách đội tuyển Philippines sang Việt Nam đá trận lượt về vòng loại World Cup 2026, có đến 22 cầu thủ đang chơi bóng ngoài lãnh thổ quốc gia này. Trong khi đó, ở đội tuyển Việt Nam chỉ có 2 cầu thủ Việt kiều và đều rơi vào vị trí thủ môn.

Nguyễn Filip và Văn Lâm là 2 cầu thủ Việt kiều hiếm hoi của đội tuyển Việt Nam, một sự trái ngược hoàn toàn so với Philippines hay Indonesia.
Nguyễn Filip và Văn Lâm là 2 cầu thủ Việt kiều hiếm hoi của đội tuyển Việt Nam, một sự trái ngược hoàn toàn so với Philippines hay Indonesia.

Có một thực tế là, trước làn sóng nhập tịch của một số đối thủ cùng khu vực Đông Nam Á, đã có nhiều ý kiến cho rằng, bóng đá Việt Nam nên theo kịp xu hướng bằng cách đẩy nhanh chính sách nhập tịch cho cầu thủ. Nhưng ít ai đề cập đến việc liệu những Việt kiều đang chơi bóng khắp thế giới có thật sự đủ chất lượng để khoác áo đội tuyển hay không.

Cụ thể như hiện nay, 2 cầu thủ Việt kiều được trọng dụng trên đội tuyển đều là thủ môn. Họ được đánh giá cao tất nhiên là qua tài năng, nhưng có lẽ cũng vì ưu thế hình thể, bởi thực tế là Việt Nam chưa bao giờ thiếu thủ môn giỏi. Trong khi đó, ở các vị trí còn lại, thì cầu thủ Việt kiều không thể cạnh tranh được với cầu thủ nội, kể cả khu vực mà họ có ưu thế hơn đó là vị trí trung vệ.

Ngược lại, nơi mà đội tuyển cần bổ sung "ngoại binh" nhất là tiền đạo thì lại không có ai ngoài trường hợp của Mạc Hồng Quân không thực sự nổi trội. Điều này không khó hiểu, vì dù sinh sống ở nước ngoài thì cầu thủ Việt kiều cũng khó có cơ hội thành công ở vị trí tiền đạo, do vẫn chịu ảnh hưởng bất lợi về di truyền hình thể.

Một chút phân tích như vậy để thấy, có những điều người khác làm được nhưng chúng ta lại không thể, dù muốn hay không muốn. Phải xác định như vậy mới có quyết sách phù hợp trong việc nâng chất lượng thi đấu của đội tuyển quốc gia.

Ví dụ như thất bại ở triều đại HLV Philippe Troussier là hậu quả của cách làm "ép" những cầu thủ trẻ còn chưa "sạch nước cản" phải chơi thứ bóng đá mà họ không quen, trong khi những điểm yếu về thể hình, thể lực thì vẫn còn đó. Làm như  vậy thì cũng giống như việc kêu gọi nhập tịch cầu thủ nhưng lại có quá ít sự lựa chọn.

Thế nên, cứ lấy con số 2 và 22 giữa chúng ta và Philippines để thấy rằng, mọi khả năng thành công của bóng đá Việt Nam đều phải dựa trên nền tảng: biết mình - biết ta. Con người có thế nào, thì xây dựng lối chơi phù hợp, tương ứng với công tác tuyển chọn HLV.

Indonesia hay Philippines ồ ạt nhập tịch cầu thủ chỉ vì suốt 30 năm qua họ chưa từng với tới danh hiệu khu vực nào nên đó là chọn lựa duy nhất. Ngược lại, từ hồi năm 1995, giai đoạn bóng đá Việt Nam còn đứng hạng 5-6 ở Đông Nam Á, nhưng chỉ cần những HLV như Tavares, Harl Heinz Weigang thì đã "đổi vận" trong một thời gian ngắn. Rõ ràng chúng ta có tiềm lực con người, cái cần thay đổi là thể trạng, là tư duy chơi bóng và kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao.

Không biết tân HLV Kim Sang Sik có cùng cách suy nghĩ ấy như người đồng hương Park Hang Seo hay không? Câu trả lời cũng sẽ sớm xuất hiện thôi, vì trận đấu với Philippines là một sự tương phản rất rõ nét. Đó là đội bóng từng thua chúng ta 0-2, đã thay đổi phần lớn từ HLV cho đến số cầu thủ nhập tịch mới, và họ đang khao khát đánh bại Việt Nam lần đầu tiên kể từ năm 2010, cũng trên sân Mỹ Đình.

Trong khi đó, với nhiều con người cũ và chỉ 5 ngày làm quen chiến thuật của HLV mới, đội tuyển Việt Nam đang cần lấy lại vị thế quen thuộc của mình.

LAN ĐỨC

;
.