VAR tại EURO 2024 có bị thao túng?
“Nhân vật” đáng chú ý nhất sau trận Pháp và Hà Lan không phải là một cầu thủ có mặt trên sân mà là tổ VAR có mặt bên ngoài sân.
Tuyển Hà Lan và Pháp cầm chân nhau không bàn thắng. |
Phút 69 trên sân Leipzig, Xavi Simons sút bồi làm tung lưới Pháp trong trận đấu thuộc loạt trận thứ 2 bảng D vòng chung kết EURO 2024. Trong lúc các cầu thủ Hà Lan ăn mừng, trọng tài Anthony Taylor thảo luận về bàn thắng với trợ lý.
Vì sao Hà Lan không muốn làm to chuyện?
VAR cũng vào cuộc để xác minh tính hợp lệ của bàn thắng. Sau đó, trọng tài Taylor lắng nghe tín hiệu và từ chối bàn thắng. EURO 2024 có trận hòa không bàn thắng đầu tiên và để lại bao tiếng tranh cãi.
Bên chịu bất lợi là Hà Lan dĩ nhiên không hài lòng và ngầm chỉ trích VAR. HLV Ronald Koeman nói rằng: “Tôi nghĩ Dumfries đã ở vị trí việt vị, đó là sự thật. Nhưng theo quan điểm của tôi, cậu ấy không làm ảnh hưởng đến thủ môn và khi điều đó không xảy ra thì đấy là một bàn thắng hợp lệ”.
Dù phàn nàn, HLV Koeman cũng không có ý định đưa vụ việc lên Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) để khiếu nại. Lý do thứ nhất là không thể lật ngược quyết định mà còn gây ác cảm với UEFA. Lý do thứ hai là há miệng mắc quai.
Hãy lật lại trang sử cũ, ngày 25/11/2022, Hà Lan khi đó cũng thoát thua ở tình thế như người Pháp hiện giờ. Trong trận gặp Ecuador tại vòng bảng World Cup, đội bóng do HLV Louis van Gaal dẫn dắt được hưởng lợi từ VAR ở tình huống còn gây tranh cãi hơn. Vào cuối hiệp 1, sau cú sút xa chạm chân của Pervis Estupinán, bóng bay vào lưới Hà Lan.
Thế nhưng, bàn thắng bị từ chối vì lỗi việt vị do Jackson Porozo đứng gần thủ môn Hà Lan và đường đi của bóng. Dù thủ môn Andries Noppert bay về hướng ngược lại (do bóng đập Estupinán đổi hướng), trọng tài vẫn kiên quyết từ chối sau khi nghe ý kiến từ phòng VAR.
Ngày đó, các CĐV Hà Lan nghĩ rằng quyết định đó thật đúng đắn. Nhưng giờ, khi đóng vai nạn nhân của VAR trong tình huống tương tự, người Hà Lan lại cảm thấy bất mãn với công nghệ này. Cả tình huống Hà Lan được hưởng lợi tại World Cup lẫn tình huống là nạn nhân của VAR tại EURO đều liên quan đến cách diễn giải của trọng tài khi bắt việt vị một tình huống, nhất là khi cầu thủ ở vị trí việt vị tham gia tình huống một cách thụ động.
VAR vẫn phụ thuộc cảm tính con người
Quay lại tình huống phút 69 trận Hà Lan gặp Pháp, Simons thực hiện cú sút đi thẳng vào góc dưới bên phải khung thành, còn Denzel Dumfries trong thế việt vị, đứng ở giữa thủ môn Mike Maignan và đường đi của bóng. Câu hỏi đặt ra với nhiều người khi đó là liệu thủ môn tuyển Pháp có cản được cú sút không?
Song, đó không phải là điều các trọng tài quan tâm. Họ đặt vấn đề là liệu Dumfries có làm ảnh hưởng đến Maignan và điều đó tác động đến việc Maignan không kịp xử lý?
Các trọng tài phải đặt tiếp tình huống liệu thủ môn của Pháp có phải lao qua hậu vệ Hà Lan thì mới cản được bóng? Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là là một loạt câu hỏi tổ VAR phải đặt ra rồi thảo luận với trọng tài để đưa ra một đánh giá công bằng với tình huống trên.
Chính sự phức tạp với vô số tình huống được đặt ra như vậy làm tổ trưởng VAR Stuart Attwell và các trợ lý VAR của ông mất nhiều thời gian để đưa ra quyết định trên sân: 2 phút 47 giây sau khi trọng tài chính Taylor thổi còi việt vị. Đây là lần đánh giá VAR dài nhất của giải đấu.
Người Hà Lan cho rằng, lẽ ra việc kiểm tra lại tình huống phải được tiến hành thật nhanh chóng, tuy nhiên họ lại phải chờ đợi quá lâu. Người Hà Lan có quyền hoài nghi trong khoảng thời gian 2 phút 47 giây đó, các trọng tài trao đổi những thứ vượt qua vấn đề trên sân trước khi đưa ra quyết định.
Nhưng quay trở lại tình huống trên, các trọng tài rất khó để xác định ngay Dumfries có việt vị hay không nên họ phải bàn bạc, và cũng có thể xuất hiện ý kiến trái chiều trong tổ VAR trước khi đưa ra kết luận. Những quyết định liên quan đến cầu thủ việt vị thụ động luôn gây ra nhiều tranh cãi vì nó phụ thuộc vào cảm tính của trọng tài.
Ở đây, VAR không còn giữ được tính chính xác và khách quan như các công nghệ Goal-line hay công nghệ xác định bóng chạm tay đầy lý tính nữa. Thay vào đó, nó phụ thuộc vào cảm tính chủ quan của người quan sát và đưa ra quyết định. Đã là chủ quan sẽ gây tranh cãi, không chỉ trong trận mà cả sau trận.
Nhưng dù thế nào, VAR cũng giúp bóng đá trở nên công bằng hơn. Bằng chứng là Premier League vừa thảo luận việc có tiếp tục áp dụng công nghệ VAR trong mùa giải sau hay không. Kết quả là 19/20 CLB đồng ý.
VAR có thể là cứu tinh giúp các đội được hưởng lợi như Hà Lan tại World Cup 2022 và có thể là vật tế thần sau một kết quả không như ý, như cách Hà Lan đã làm sau trận gặp Pháp. Dù thế nào, nó cũng là bạn của mọi đội bóng. Những tình huống tranh cãi từ VAR chủ yếu rơi vào quyết định cảm tính từ chính các trọng tài VAR.
NGUYỄN HƯNG