Khởi đầu mới của bóng đá Việt Nam

Thứ Sáu, 14/06/2024, 14:53 [GMT+7]
In bài này
.

Night Wolf V-League trở lại với 4 vòng đấu cuối của mùa giải 2023/2024 sau khi đội tuyển Việt Nam chính thức khép lại một chặng đường khó khăn. Hai trận đấu đầu tiên dưới thời HLV Kim Sang Sik được xem như một bản nháp thô ráp, sẽ được loại bỏ mà không cần phải nuối tiếc để bóng đá Việt Nam cần ngay một khởi đầu mới.

Đội tuyển Việt Nam sẽ được lợi nếu V-League có thêm nhiều CLB như Hà Nội FC (phải) hay Thể Công Viettel.
Đội tuyển Việt Nam sẽ được lợi nếu V-League có thêm nhiều CLB như Hà Nội FC (phải) hay Thể Công Viettel.

Thật vậy, nếu chúng ta xem giai đoạn không thành công của HLV Philippe Troussier là một sai lầm, thì số thời gian ít ỏi vừa qua dành cho HLV Kim Sang Sik chắc chắn là không đủ để cải thiện tình hình.

Những trận đấu với Philippines và Iraq chỉ như một sự xác nhận về mức độ khó khăn mà đội ngũ của ông Kim phải tìm cách giải quyết trong khoảng 5 tháng trước AFF Cup 2024. Nghĩa là, nếu không tính 2 trận đấu vừa qua, thì HLV Kim Sang Sik sẽ có đủ thời gian để tạo ra đội bóng cho riêng mình. Ông Kim cũng có may mắn là thời gian ấy nằm giữa 2 mùa giải.

Nó cho phép ông có đủ cơ số trận đấu, tối thiểu là 4 trận cuối mùa này và 6 trận đầu mùa sau, để đánh giá năng lực và chọn người phù hợp. Quãng nghỉ giữa 2 mùa càng thuận lợi cho việc tập trung và tổ chức một vài trận giao hữu chất lượng để truyền đạt ý tưởng chiến thuật.

Tóm lại, mặc dù chưa có khởi đầu như ý nhưng hiện tại, ông Kim đang có sự thuận lợi. Hoàn cảnh này khá giống với nhiệm kỳ thứ 2 của HLV Henrique Calisto, người tiếp nhận đội tuyển Việt Nam trong bối cảnh mà niềm tin xuống rất thấp trước AFF Cup 2008, nhưng thuận lợi là họ chỉ tập trung cho đội tuyển trong 1 năm mà U23 không có nhiệm vụ lớn nào nên có đủ thời gian, không gian để thử nghiệm và xây dựng mọi thứ.

Liên tưởng đến thời kỳ HLV Calisto cũng có lý do. Ngoài yếu tố bối cảnh, còn là vấn đề con người. Năm 2008, ông Calisto không có chọn lựa nào khác ngoài việc lục tung V-League để tìm người.

Bóng đá Việt Nam lúc đó bị "đứt" tuyến kế thừa sau "thế hệ vàng 2.0" của năm 2003. Quá trình này còn kéo dài đến tận năm 2015, trước lứa U19 Hoàng Anh Gia Lai. Đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008 là sự kết hợp của nhóm cầu thủ Á quân SEA Games 2003 và những nhân tố mới từ V-League. Nhưng để "nhào nặn" ra tập thể đó, ông Calisto phải trải qua chuỗi 10 trận không biết đến chiến thắng trước AFF Cup 2008.

Hiện tại, chúng ta cũng xem như đang "đứt" tuyến kế thừa khi nhóm cầu thủ 20-21 tuổi hiện tại khó trở thành trụ cột trong vài năm tới. Nhưng lứa 2018 thì vẫn còn trong độ tuổi cống hiến, vấn đề là họ cũng không thực sự ở đỉnh cao như 4-5 năm trước, buộc HLV Kim Sang Sik phải khởi động kế hoạch tìm kiếm nhân tố khác biệt từ môi trường V-League.

Nhưng ông Kim gặp khó khăn hơn thời của ông Calisto. Giai đoạn 2006-2010 thì V-League đang bùng nổ, có thời điểm còn nằm trong top 50 giải vô địch quốc gia hàng đầu thế giới. Cầu thủ Thái Lan khi đó vẫn còn sang V-League chơi bóng. Cuộc đua vô địch khi đó có đến 5-6 CLB cùng đẳng cấp, còn Hà Nội T&T thì chưa xuất hiện và tạo ra sự thống trị như sau này.

Ngược lại, V-League hiện nay xét về chất lượng thì tốt hơn, nhưng lại ở trong trạng thái bão hòa về mức độ cạnh tranh do những "di chứng" của đại dịch COVID-19 khiến cho nguồn đầu tư không mãnh liệt như trước. Thậm chí có ý kiến cho rằng, sự hấp dẫn hiện tại của V-League chủ yếu đến từ việc Hà Nội FC hay Thể Công Viettel sa sút, chứ không phải là do xuất hiện các đối trọng nặng ký.

Chi tiết thú vị nhất có lẽ là bối cảnh chung của bóng đá khu vực. Gần 2 thập niên trôi qua nhưng mọi thứ không khác trước quá nhiều. Đông Nam Á vẫn chưa thể có 2 đại diện cùng lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup.

Làng cầu Thái Lan cũng đang đối diện với những bế tắc trên con đường phát triển đẳng cấp. Indonesia nổi lên như một thế lực mới, điều đó khiến cho việc xác định đội bóng số 1 khu vực trở nên hấp dẫn hơn. Nếu căn cứ vào bảng xếp hạng FIFA, thì Việt Nam đang lùi lại nhưng chúng ta chưa đánh mất quá nhiều.

Nói một cách công bằng, V-League vẫn đủ khả năng cung cấp nguồn lực cho đội tuyển quốc gia. Điều này được thể hiện qua việc những đội có tiềm lực như Hà Nội FC, Bình Dương, Thể Công Viettel vẫn đang duy trì được chất lượng thi đấu.

Họ vẫn là nhóm đội bóng được xếp vào dạng "nền tảng" của giải đấu số 1 Việt Nam, miễn là họ vẫn đang đều đặn cung cấp tuyển thủ cho đội tuyển, đợi chờ các nhân tố mới như kiểu Công an Hà Nội hay Nam Định ngày một nhiều hơn thì V-League sẽ hấp dẫn trở lại. 

LAN ĐỨC

;
.