Kéo co là trò chơi dân gian có từ xa xưa. Ngày nay, kéo co trở thành môn thể thao hấp dẫn, được duy trì thông qua các lễ hội, chương trình sự kiện thể thao cấp cơ sở, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Kéo co là môn thể thao sôi nổi, luôn nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ khán giả. Trong ảnh: Các VĐV thi môn kéo co tại hội thao các dân tộc thiểu số tỉnh năm 2024. |
Gắn kết cộng đồng
Là môn thể thao đối kháng, kéo co không cầu kỳ về địa điểm tổ chức thi đấu. Chỉ cần khoảng đất trống, sân cỏ hay nền gạch, xi măng bằng phẳng, cùng một sợi dây thừng dài và 2 đội chơi là có thể tổ chức được trận đấu kéo co. Nhờ địa điểm tổ chức và thể thức thi đấu đơn giản, ít tốn kém, không phân biệt nam hay nữ, độ tuổi, người có sức khỏe tốt đều có thể tham gia. Kéo co nhanh chóng trở thành môn thể thao phổ biến, thường được các địa phương đưa vào thi đấu hàng năm.
Tại huyện Châu Đức, kéo co luôn là môn thể thao được đông đảo người dân yêu thích và hào hứng tham gia mỗi lần tổ chức. Ông Trần Văn Thao (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) cho biết, kéo co là môn thể thao quen thuộc của người dân mỗi dịp lễ, tết hay sự kiện do địa phương tổ chức. Mỗi khi các trận kéo co được tổ chức, không khí trở nên náo nhiệt, tạo thành tâm điểm, thu hút sự chú ý của mọi người. Tiếng còi bắt đầu trận đấu của trọng tài vang lên, không khí sôi động bởi tiếng hò reo cổ vũ của khán giả.
Kéo co tuy đơn giản nhưng đòi hỏi kỹ thuật nhiều, dẻo dai, sức chịu đựng, yếu tố bền, sức mạnh của tập thể được thực hiện một cách đồng đều, dứt khoát.
“Đây là môn thể thao mang tính đồng đội, thể hiện được sức mạnh đoàn kết của những người chơi. So với các môn khác, kéo co luôn có sức hấp dẫn riêng. Mặc dù là một trò chơi mang tính cạnh tranh, nhưng kéo co không đặt nặng vấn đề thắng thua mà quan trọng là tinh thần đoàn kết, niềm vui và gắn kết cộng đồng”, ông Thao nói.
Để tham gia kéo co, người chơi cần tôi luyện qua các bài tập thể lực. Đây là môn thể thao tập thể, bởi vậy đòi hỏi toàn đội phải có sự phối hợp ăn ý giữa các vị trí để tạo nên sức mạnh chung. Các vận động viên của đội kéo co giống như đang trên một chiếc thuyền chài, đội hình được sắp xếp cân bằng và phối hợp một cách nhịp nhàng, ăn ý nhất để cùng nghiêng, cùng giật... mới có thể chiến thắng.
Tiếp tục duy trì, phát triển
Theo Sở VH-TT, kéo co được duy trì và phát triển từ thế hệ này sang thế hệ khác với quy mô khác nhau. Đây là môn thể thao không chỉ để rèn luyện sức khỏe mà còn đem lại niềm vui, tinh thần tập thể, đoàn kết cộng đồng, góp phần hình thành nên sự kiên cường, dẻo dai và ý thức vươn lên giành chiến thắng trong trò chơi cũng như trong cuộc sống. Năm 2015, kéo co đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận nghi lễ và trò chơi kéo co của các nước Cambodia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia đại diện của nhân loại.
Để phát huy giá trị của trò chơi kéo co truyền thống, hàng năm Sở VH-TT luôn phối hợp với các cơ sở địa phương, duy trì, tổ chức môn thể thao này tại chương trình, sự kiện văn hóa thể thao. Đặc biệt, tại các chương trình hội thao, ngày lễ tết kéo co luôn được lựa chọn để tổ chức, góp phần tạo khí thế sôi nổi, hấp dẫn cho các sự kiện.
Nhằm duy trì, bảo tồn và phát triển môn kéo co, Sở VH-TT sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, khuyến khích, trao truyền di sản văn hóa trong cộng đồng để cùng nhau bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và phát triển mạnh mẽ ở các cấp cơ sở.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC