Ưu tiên đầu tư môn thể thao thế mạnh
Sau 3 năm thực hiện Đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh giai đoạn 2021 - 2026, Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng 20 bậc so với khi chưa triển khai đề án. Trên cơ sở đó, ngành thể thao tỉnh tiếp tục định hướng tập trung đầu tư có chiều sâu, ưu tiên các môn thể thao truyền thống, thế mạnh của tỉnh.
Ngành thể thao tiếp tục định hướng tập trung đầu tư có chiều sâu, ưu tiên các môn thể thao truyền thống, thế mạnh của tỉnh. Trong ảnh: VĐV thi đấu tại Giải vô địch muay Thái năm 2024. |
Phát triển các nhóm chủ lực
Theo Đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh giai đoạn 2021 - 2026, toàn tỉnh sẽ có 1.013 VĐV và 118 HLV, đồng thời phát triển 26 môn thể thao thành tích cao. Mục tiêu năm 2026 đạt khoảng 315 huy chương các loại. Riêng tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2026, ngành thể thao đặt mục tiêu từ 10-15 HCV, 20-26 HCB và 26-30 HCĐ, xếp vị trí trong nhóm 20 tỉnh, thành, ngành dẫn đầu về tổng xếp hạng huy chương.
Để đạt mục tiêu trên, ngành thể thao chọn giải pháp ưu tiên tập trung đầu tư có trọng điểm các môn thể thao truyền thống, thế mạnh của tỉnh cũng như những môn có triển vọng để phát triển thành môn chủ lực.
Ông Bùi Ngọc Trung, Trưởng phòng Huấn luyện và đào tạo (Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh) cho biết, trong 26 môn thể thao thành tích cao, tỉnh lựa chọn 3 nhóm chính để ưu tiên đầu tư. Trong đó, nhóm 1 gồm các môn: judo, kurash, jujitsu, wushu, bắn cung, muay, pencak silat, vovinam, bi sắt, kickboxing, boxing và võ cổ truyền. Đó là 12 môn nằm trong nhóm chủ lực được ưu tiên đầu tư, được lựa chọn dựa trên tiềm năng thế mạnh và thành tích huy chương đạt được trong thời gian qua. Đây cũng sẽ là nhóm chủ lực, hứa hẹn mang về thành tích huy chương cho thể thao tỉnh tại các đấu trường lớn trong thời gian tới.
Nhóm 2 gồm các môn: karate, billiards, cờ tướng, cờ vua, taekwondo, bóng chuyền bãi biển, khiêu vũ thể thao, golf thuộc nhóm có tiềm năng sẽ mang huy chương cho thể thao thành tích cao. Đích đến cụ thể của 2 nhóm trên là hướng tới đấu trường khu vực, quốc tế (SEA Games, Olympic, Asiad...) và Đại hội TDTT toàn quốc 2026.
Nhóm 3 gồm các môn: bóng bàn, bóng rổ, bơi, cầu lông và các môn điền kinh. Các môn này hiện có phong trào đang phát triển mạnh. Đây sẽ là nhóm được đầu tư dài hạn, nếu phát hiện có nguồn VĐV hoặc VĐV có nhân tố nổi trội, đạt được thành tích, có thể chuyển thành nhóm môn tập trung ưu tiên đầu tư thuộc nhóm 1 hoặc nhóm 2.
“Trên cơ sở phân loại các nhóm, ngành thể thao sẽ có lộ trình và phân bố kinh phí đầu tư, nguồn lực phù hợp để đạt kết quả theo kế hoạch đề ra”, ông Trung nhấn mạnh.
Triển khai nhiều giải pháp
Ngoài triển khai dự án Trung tâm huấn luyện tập trung để hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật thể thao, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh cũng đang tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống quản lý, tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao, gắn kết đào tạo các tuyến, các lớp kế cận.
Theo ông Đặng Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh, bên cạnh cơ sở hạ tầng, ngành thể thao cũng chú trọng ưu tiên phát triển nguồn nhân lực các môn trọng điểm. Hiện nay, thể thao thành tích cao đang duy trì từ 12-16 VĐV/đội. Ngành thể thao sẽ xin chủ trương ưu tiên tăng số lượng VĐV môn chủ lực, phù hợp với từng môn thi đấu theo từng năm, để đảm bảo quân số tham gia các giải đấu quan trọng.
Song song đó, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các đơn vị tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và nâng cao trình độ cho lực lượng huấn luyện viên của nhóm thể thao chủ lực. Riêng với đội ngũ nhân viên phục vụ và kỹ thuật viên sẽ thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành, ứng dụng KH-CN, sử dụng thành thạo trang thiết bị kỹ thuật phục vụ huấn luyện đào tạo VĐV.
“Ngành thể thao đang đẩy mạnh việc áp dụng cơ chế, chính sách, chế độ về lương, thưởng, ưu đãi về học tập, chữa trị chấn thương và bệnh tật trong quá trình tập luyện, thi đấu cũng như các danh hiệu cho VĐV, HLV, cán bộ quản lý công tác thể thao thành tích cao để thu hút và giữ chân nhân tài”, ông Cường thông tin.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC