Mùa Hè là thời điểm phù hợp mà ban huấn luyện tìm kiếm, phát hiện VĐV có tố chất để bồi dưỡng, bổ sung vào lực lượng thể thao thành tích cao. Nhưng để tuyển được VĐV đủ điều kiện và gắn bó lâu dài gặp muôn vàn khó khăn.
Các VĐV judo tập luyện chuẩn bị cho giải đấu. |
Thiếu nơi ăn, chốn ở
Judo là một trong những bộ môn trụ cột, đóng góp nhiều huy chương cho thể thao thành tích cao của tỉnh. HLV đội tuyển judo tỉnh Đặng Văn Tươi cho biết, judo là môn đặc thù, nên việc tìm kiếm, đào tạo VĐV không hề đơn giản, bởi không phải ai cũng kiên trì và đam mê để theo đuổi.
Theo ông Tươi, để đào tạo được 2-3 VĐV, phải tìm đến khoảng 20-30 em ở lứa tuổi HS. Sau đó, từ thể hình, thử qua các kỹ thuật đơn giản để chọn khoảng 10 em đưa về đơn vị tập luyện. Số lượng lớn như thế, nhưng con số trụ lại để tiếp tục đào tạo rất ít. Qua thời gian tập luyện, chỉ còn lại 1-2 em có thể gắn bó lâu dài.
“Judo là môn thể thao nặng, đòi hỏi nhiều về thể lực và cường độ tập luyện cao. Một số người hội đủ điều kiện để được lựa chọn, thì phụ huynh lại không cho con theo nghiệp thể thao. Do vậy, hiện nay judo đang thiếu trầm trọng nguồn VĐV trẻ kế cận”, ông Tươi nói.
Tương tự, thực hiện Đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh giai đoạn 2021 - 2026, hàng năm vào dịp Hè, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh đều xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp năng khiếu nhằm tìm kiếm, phát hiện những em có năng khiếu thể thao để bồi dưỡng tài năng cho nguồn nhân lực tỉnh. Dù vậy, việc tìm kiếm nguồn VĐV bổ sung vào các bộ môn lại khá ít ỏi, đặc biệt là các môn thể thao liên quan tới thể lực như vật, võ…
Ông Bùi Ngọc Trung, Trưởng phòng Huấn luyện và đào tạo (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh) cho biết, mỗi môn thể thao đòi hỏi những tiêu chí về thể hình, thể lực riêng. Tuyển được người, còn phải trải qua khâu vận động phụ huynh, trong khi nhiều bậc cha mẹ chỉ muốn con tập trung học văn hóa (dù lên tuyển vẫn tiếp tục học song song văn hóa) và chưa xem thể thao là nghề. Với đặc thù là đào tạo năng khiếu, nên đã số HS có độ tuổi thấp, cá biệt có những môn các em chưa đến 10 tuổi. Vì thế, gia đình không muốn con mình sống xa nhà.
Thậm chí, khi được gia đình cho phép, khâu khám sức khỏe và khả năng thích nghi của VĐV ở trên sân tập cũng là vấn đề lớn. Nhiều VĐV năng khiếu không chịu nổi áp lực sân tập và từ bỏ.
Hiện nay, việc tìm kiếm nguồn nhân lực ở các địa phương như Đất Đỏ, Châu Đức, Xuyên Mộc dễ hơn ở TP.Vũng Tàu. Tuy nhiên, một trở ngại rất lớn khiến việc tìm kiếm nguồn VĐV không đạt hiệu quả cao là do tỉnh chưa có trung tâm huấn luyện và đào tạo tập trung. VĐV sau khi được tuyển chọn thiếu nơi ăn, chốn ở tập trung, đa số phải đi thuê ở bên ngoài. Trong khi đó, các em đang ở độ tuổi học văn hóa nên không phải phụ huynh nào cũng đồng ý cho con mình sống xa nhà để theo đuổi đam mê.
“Nếu có trung tâm huấn luyện và đào tạo tập trung sẽ giải quyết được khâu ăn ở, học văn hóa cho VĐV. Khi đó, phụ huynh yên tâm hơn. Về lâu dài, để nuôi dưỡng nguồn VĐV chủ chốt cho thể thao thành tích cao, thì việc xây dựng trung tâm huấn luyện và đào tạo tập trung là điều rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng”, ông Trung nói.
Giải bài toán về hạ tầng
Bà Rịa - Vũng Tàu có 26 đội tuyển, với tổng số 722 HLV và VĐV tập trung. Trong đó, chỉ một vài bộ môn như: judo, bóng bàn, bi sắt, muay Thái được bố trí diện tích đúng tiêu chuẩn để tập luyện. Các bộ môn khác phải chia ra tập ở khu vực gầm khán đài, đường thoát hiểm, tại cơ sở cũ (15 Lê Lợi, TP.Vũng Tàu), hoặc phải thuê bên ngoài.
Tháng 5/2023, Sở VH-TT đã đề xuất tỉnh triển khai dự án Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT, kết hợp nâng cấp SVĐ Lam Sơn. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 301 tỷ đồng, đang được Sở VH-TT hoàn chỉnh hồ sơ, trình HĐND tỉnh phê duyệt ở kỳ họp sắp tới. Dự án được triển khai trên khu đất 2,5ha, bao gồm SVĐ Lam Sơn và khu liền kề số 15 Lê Lợi vốn được tỉnh quy hoạch cho mục đích thể thao. Đây cũng là vị trí phù hợp về nhiều mặt để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, thi đấu thể thao thành tích cao. Đồng thời, thu hút các đội tuyển thể thao chuyên nghiệp trong và ngoài nước đến tập huấn, cũng như tổ chức các giải đấu thể thao, sự kiện văn hóa nghệ thuật quy mô.
Nếu được bố trí vốn, công trình sẽ khởi công trong năm nay. Theo ông Đặng Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, dự án đầu tư Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT, kết hợp nâng cấp SVĐ Lam Sơn, tại phường 1, TP.Vũng Tàu là cần thiết và phù hợp với Kết luận 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới.
“Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách bảo đảm chế độ về lương, thưởng và có định hướng lâu dài cho VĐV, để họ yên tâm cống hiến. Có được như vậy thì việc tuyển chọn VĐV kế cận sẽ thuận lợi hơn, góp phần phát triển thể thao của tỉnh trong thời gian tới”, ông Cường đề nghị.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC