Đội tuyển Việt Nam lại thêm một lần nữa thua Indonesia từ những quả ném biên. Đây thực sự là “điểm mù” mà đội quân HLV Philippe Troussier vẫn chưa có cách hóa giải.
Arhan là “cơn ác mộng” thực sự với đội tuyển Việt Nam. |
Trên sân Bung Karno tối 21/3, đội tuyển Việt Nam đã có sự khởi đầu tương đối tốt ở đầu hiệp 1. Indonesia gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai bóng lên phía trên. Đội tuyển Việt Nam kiểm soát bóng tốt nhưng lại không tận dụng được những tình huống tấn công để tạo ra sự khác biệt.
Bước ngoặt của trận đấu đã đến ngay đầu hiệp 2. HLV Shin Tae Yong tung Pratama Arhan, người được mệnh danh là “máy ném biên” của Indonesia vào sân. Ngay lập tức, cầu thủ này đã chứng minh giá trị với tình huống ném biên sở trường.
Phút 50, từ pha ném biên ở cự ly rất xa, Pratama Arhan đã ném bóng thẳng vào vòng 16m50. Trước tình huống này, hàng thủ của đội tuyển Việt Nam đã mắc lỗi. Tuấn Tài phán đoán sai điểm rơi, còn Minh Trọng phòng ngự trong tư thế bị động, giật mình phá bóng hỏng, giúp cho Egy Maulana dễ dàng đưa bóng vào lưới Nguyễn Filip.
Những tình huống ném biên rất mạnh và hiểm của Pratama Arhan là “đặc sản” của Indonesia. Đây không phải là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam phải nếm trải vị đắng thứ vũ khí lợi hại của hậu vệ bên phía Indonesia. Trước đó, ở bán kết SEA Games 32, Arhan cũng ghi dấu ấn với 2 pha ném biên sở trường mang về 2 bàn thắng trong chiến thắng 3-2 của U22 Indonesia trước U22 Việt Nam.
Đội tuyển Việt Nam hiểu được sức mạnh của Indonesia đến từ những tình huống ném biên. Sau trận đấu, HLV Troussier tiết lộ với truyền thông là đã cho các học trò tập nhiều lần để hóa giải bài ném biên này. Tuy nhiên, thêm một lần nữa đội tuyển Việt Nam phải nếm trái đắng vì sự thiếu tập trung nơi hàng thủ.
“Đó là bàn thua không đáng có đến từ sai số cá nhân. Chúng tôi tập luyện nhiều lần nhưng vẫn không hóa giải được. Tại Asian Cup, Nhật Bản cũng nhận bàn thua từ Indonesia ở tình huống tương tự”, HLV Troussier thất vọng chia sẻ về bàn thua không đáng có sau trận đấu.
Theo tìm hiểu, cú ném biên của Arhan ở trận đấu vừa qua không chỉ xuất phát từ nỗ lực của hậu vệ này, mà đó còn là cả sự tính toán và giúp sức của một đội ngũ phía sau. Cụ thể, Arhan luôn nhận được những trái bóng khô ráo mỗi lần chuẩn bị ném biên. Điều này đến từ việc các cậu bé nhặt bóng ngoài sân được lệnh phải dùng khăn khô lau thật sạch trái bóng, trước khi giao nó cho Arhan. Mục đích là để Arhan có quả bóng khô nhất có thể, tránh bị trơn dẫn đến tuột tay khi ném. Có thể thấy, Indonesia đã tính toán rất kỹ các phương án để gây bất ngờ cho đối thủ.
Trong khi đó, dưới góc độ chuyên môn, HLV Phạm Minh Đức đưa ra quan điểm về bàn thua của đội tuyển Việt Nam từ pha ném biên của Indonesia: Thực ra phòng ngự quả ném biên khi đá với Indonesia ta đã nói đến nhiều. Khi ném biên thủ môn phải nhìn trung vệ. Tình huống ném biên không nhanh, mạnh bằng sút phạt nên thủ môn có lợi thế đôi tay phải bước ra trước.
“Quả biên này ném xa, Tuấn Tài nhảy sau cầu thủ Indonesia khiến Minh Trọng giật mình. Theo tôi, những quả ném biên này cầu thủ cao to thì kèm cầu thủ cao to. Ngoài ra, phán đoán của vị trí trung vệ quan trọng. Chúng ta sẽ giao kèm cầu thủ cao lớn và luôn phải đứng sau cầu thủ của họ”, HLV Minh Đức chia sẻ.
HLV Đặng Phương Nam cũng có những phân tích kỹ hơn về bàn thua này. “Đây là tình huống chúng ta không phân bố đội hình kèm người, chốt vị trí. Minh Trọng có vị trí tốt, nhưng tư thế sai hoàn toàn. Khi hậu vệ trái thu về hỗ trợ giữa thì phải có tư thế mở vai và xoay thân lên phía trên.
Tư thế của Minh Trọng là thân vuông với khung thành cộng thói quen của một kèo chân trái giơ lên như thế thì không phản lưới là may rồi. Đúng nguyên tắc là phải xoay thân, tốt nhất là ép lòng chân phải lên, hoặc nhanh hơn thì phải mở được lòng chân trái để phá được bóng ra khỏi khu vực nguy hiểm. Ngoài ra, phá bằng mu hoặc má ngoài cũng có thể nhưng tư thế phải xoay lên và lợi thế hơn”, HLV Đặng Phương Nam phân tích.
XUÂN KỲ