Cần nhìn nhận tích cực với cả ông Troussier và ông Park
Trong làn sóng cố gắng thông cảm với những khiếm khuyết của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Philippe Troussier, dường như có một làn sóng dư luận tiêu cực hơn xuất hiện: Phủ nhận tuyệt đối những gì HLV Park Hang-seo đã làm.
Thông cảm với HLV Troussier, công bằng với ông Park. |
Ngay khi tiếp quản ghế HLV đội tuyển Việt Nam, HLV Troussier đã lập tức gây tranh cãi khi đề cập đến triết lý cũ dưới thời HLV Park Hang-seo nói riêng và các đội tuyển Việt Nam trước đây nói chung.
Ông Troussier và tranh cãi về triết lý
Về cơ bản, ông cho rằng đấy là triết lý không thể nâng bóng đá Việt Nam lên tầm châu Á và World Cup: “Tôi hiểu kỳ vọng của mọi người về việc duy trì vị thế dưới thời ông Park Hang-seo. Tuy nhiên, tôi muốn làm điều này với hình hài và triết lý mới. Tôi trang bị cho cầu thủ kiến thức khác biệt, mới hơn”, nguyên văn phát biểu của ông sau trận thắng nhọc nhằn của U22 Việt Nam trước U22 Lào, một đối thủ hoàn toàn dưới tầm chúng ta trước đây, ở SEA Games 32.
Kể từ đó đến nay, chúng ta đã thấy một cuộc tranh luận rất gay gắt trên mạng xã hội xoay quanh ranh giới mà ông Troussier đã vạch ra từ đầu này: Một bên cho rằng chúng ta cần phải kiên nhẫn với sự thay đổi mà ông thầy người Pháp đang cố mang lại, vì mục tiêu lâu dài; còn phe còn lại thì phản biện rằng ông Troussier đang nhận được quá nhiều sự ưu ái.
Vậy thì rốt cục ngoài những tranh cãi về triết lý, ông Troussier đã làm được gì?
Đầu tiên, tất nhiên là chúng ta không thể hài lòng về kết quả. Đội tuyển Việt Nam đã thua hầu hết các trận đã đấu dưới thời ông Troussier, từ những đối thủ sừng sỏ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, cho đến đối thủ vừa tầm như Indonesia vừa qua (thua 2 lần). Đội giành Huy chương đồng ở SEA Games 32 và bị loại rất sớm ở Asian Cup năm nay.
Về mặt triết lý, lối chơi của các đội tuyển Việt Nam cho đến giờ vẫn chưa thực sự rõ ràng và thậm chí rất thiếu hiệu quả. Ở thất bại trước Indonesia vừa rồi, đội bạn còn triển khai chuyền bóng và gây sức ép tốt hơn chúng ta rất nhiều.
Về bộ khung, kể cả khi tạm bỏ qua lý do chấn thương, thì cơ bản ông Troussier gần như đã thay thế hoàn toàn các cầu thủ nòng cốt dưới thời HLV Park Hang-seo: Đội Việt Nam chỉ còn 5 người sót lại từ Asian Cup 2019.
Điều quan trọng là sau một năm dẫn dắt các đội tuyển quốc gia, cuối cùng thì chúng ta vẫn không biết các cầu thủ nòng cốt của ông Troussier sẽ là ai? Thậm chí ai là đội trưởng cũng là một câu hỏi gây hoang mang: Trong 11 trận gần đây, ông đã đưa băng thủ quân cho 6 người khác nhau. Đỗ Hùng Dũng, đội trưởng tuyển Việt Nam ở trận gặp Nhật Bản, thậm chí còn không được ra sân trong trận thua Indonesia, một cách rất khó hiểu.
Tất nhiên là chúng ta hoàn toàn thông cảm với những khó khăn mà một người bị triết lý ám ảnh như ông Troussier phải trải qua, nhưng nếu đội tuyển là một dự án đơn thuần, thì nó đang không đạt ở nhiều khía cạnh: Kết quả, sự thể hiện và cả con người.
Công bằng với ông Park
Những tranh cãi về triết lý đang trở nên gay gắt đến mức có nhiều ý kiến cho rằng ông Park Hang-seo đã vắt kiệt tinh túy của nền bóng đá bằng một lối chơi phòng thủ và không cố gắng tìm thêm các nhân tố mới, để đến nỗi mọi thứ trở thành gánh nặng với người mới là ông Troussier.
Nhưng hãy công bằng: Rất nhiều cầu thủ trong lứa đã làm nên kỳ tích ở Thường Châu 2018 cũng là những người đã thất bại nặng nề cùng HLV Hữu Thắng ở SEA Games 29. Ông Park cũng đã khai phá tiềm năng của rất nhiều cầu thủ trẻ, giới thiệu họ ra sân khấu quốc tế, như Bùi Tiến Dũng, Phan Văn Đức… và việc họ không thể giữ được phong độ có lẽ không phải là lỗi trực tiếp của ông.
Dưới thời ông Park, chúng ta cũng nhìn thấy sự tiến bộ vượt trội về một thứ mà các đội tuyển Việt Nam trước đó luôn thiếu: Bản lĩnh thi đấu. Cho dù có thời điểm lối chơi họ chưa thuyết phục, nhưng tuyển Việt Nam dưới thời ông Park rất ít khi thua lãng nhách, thua vì yếu tinh thần, hay các sai lầm sơ đẳng. Những điểm yếu này lại đang trở lại rất rõ rệt dưới thời ông Troussier.
Và cuối cùng, gạt bỏ mọi nhận định cảm tính, thì ông Park vẫn là HLV thành công nhất lịch sử các đội tuyển Việt Nam đến thời điểm này. Ông là người đã đem lại niềm vui thực sự cho các cổ động viên, đổi đời rất nhiều cầu thủ, và làm nền bóng đá tự tin hơn.
Nên những khó khăn hiện tại khi cố xây dựng một triết lý mới của ông Troussier chắc chắn không phải do ông Park gây ra, cần phải thừa nhận công bằng là như thế. Chúng ta cần triết lý mới để bước một chặng đường mới, nhưng điều tệ nhất là cố gắng phủi sạch trơn những hạnh phúc (chỉ vừa) cũ. Thông cảm với những gì ông Troussier đang trải qua không có nghĩa là phủ định đi chặng đường đã có với ông Park, một giai đoạn khách quan mà nói, cho dù HLV người Hàn Quốc không mấy khi hô hào về triết lý, thì đa số người hâm mộ cũng đều đã cảm nhận được rằng các đội tuyển Việt Nam cũng có một triết lý thi đấu rất rõ ràng và nó mang lại thành công.
PHẠM AN