HLV Troussier rất cần cái 'duyên Tây Á'
Cơn bão chấn thương đang quét qua đội tuyển Việt Nam rõ ràng là không may mắn cho HLV Philippe Troussier. Thậm chí, cư dân mạng còn so sánh với các thời kỳ cầm quân của HLV Park Hang Seo để chứng minh vận may dường đã không đến với nhà cầm quân người Pháp.
HLV Troussier đang cần tới rất nhiều may mắn để có được kết quả tốt đẹp ở lần trở lại Asian Cup này. |
Nói một chút về chuyện may rủi. Lần này, đội tuyển Việt Nam dự Asian Cup lần thứ 3 và giải đấu này diễn ra ở vùng Tây Á như cách đây 4 năm. Về lý thuyết, đây là điều may mắn vì bóng đá Việt Nam có cái “duyên Tây Á”.
Trong 2 lần gần đây nhất dự VCK Asian Cup, ở các năm 2007, khi chúng ta là đồng chủ nhà và năm 2019, thì cả 2 lần đều vào đến tứ kết. Nếu trong năm 2007, Việt Nam dưới sự dẫn dắt của cố HLV Alfred Riedl đánh bại UAE và cầm hòa Qatar trên sân nhà, thì tại Asian Cup 2019 diễn ra ở UAE, đội bóng của HLV Park Hang-seo vào tứ kết khi thắng Yemen và Jordan, đều là các đội đến từ Tây Á.
Năm 2021, Việt Nam giành vé dự vòng loại cuối cùng World Cup 2022 cũng nhờ các trận cuối cùng vòng bảng thi đấu tập trung tại UAE. Còn U19 Việt Nam giành vé dự U20 World Cup cũng thông qua giải U19 châu Á được tổ chức ở Bahrain, với 4 trận đấu, trong đó hết 3 trận là trước các đội Tây Á như Iraq, UAE và chủ nhà Bahrain.
Xa hơn nữa, cơn địa chấn và là chiến thắng duy nhất của bóng đá Việt Nam trước Hàn Quốc tại một giải đấu chính thức đó là ở vòng loại Asian Cup 2004, diễn ra tại Oman. Và cũng không thể quên kỳ tích Thường Châu 2018 của đội U23 Việt Nam mở ra kỷ nguyên Park Hang-seo, nơi mà trận hòa với Syria ở vòng bảng đưa chúng ta vào vòng knock-out trước khi hạ Iraq, Qatar để vào chung kết.
Thế nhưng, Tây Á dường như không phải là “đất lành” của HLV Troussier. Qatar chính là nơi mà HLV Troussier có những trận đấu đầu tiên sau khi ký hợp đồng với bóng đá Việt Nam và ở giải giao hữu quốc tế Doha 2023, đội U23 Việt Nam toàn thua 3 trận, không ghi được bàn nào trong giờ đấu chính thức, trong đó có 2 thất bại trước U23 Iraq và U23 UAE. Còn với đội tuyển quốc gia, chúng ta có 2 chiến thắng ở trận giao hữu gặp các đội Tây Á (trước Syria và Palestine) nhưng lại thua Iraq trong khuôn khổ lượt đi vòng loại thứ 2 World Cup 2026.
Hoàn cảnh hiện tại, thầy trò HLV Troussier lại rất cần cái “duyên Tây Á”, hay nói theo một cách khác, là cần có thêm sự may mắn đồng hành. Chúng ta rơi vào bảng đấu khá nặng, trong đó có Iraq, đội bóng đã từng thắng Việt Nam ở 2 lần gặp trước tại Asian Cup 2007 và 2019. Với việc ứng cử viên vô địch Nhật Bản gần như cầm chắc 1 vé đi tiếp, thì trận đấu với Iraq ở lượt cuối sẽ quyết định triển vọng của Việt Nam tại Asian Cup lần này. Vậy mà HLV Troussier phải làm điều đó với lực lượng tổn thất nghiêm trọng, kể cả khi ông đã dự phòng cho tình huống xấu.
Không chỉ vậy, HLV Troussier còn đang chịu một sức ép mang yếu tố cá nhân. Với Asian Cup, ông là một tượng đài, một trong những nhân vật được AFC ghi nhận như một phần lịch sử, bởi chức vô địch mà ông cùng đội tuyển Nhật Bản có được tại Lebanon năm 2000 đã đánh dấu một sự thay đổi đáng kể bóng đá châu Á với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Nhật Bản. Nhiều hay ít, giới quan sát vẫn chờ đợi một thứ gì đó có “chất Troussier” ở Asian Cup 2023 cùng đội tuyển Việt Nam.
Một khía cạnh khác, ngoài năm 2007, thời điểm mà 4 quốc gia đồng đăng cai, thì đây là kỳ Asian Cup đầu tiên có đến 4 đội từ Đông Nam Á giành quyền dự VCK. Người ta chờ đợi sự trỗi dậy của làng cầu vẫn bị xem là “vùng trũng”. Trong lịch sử Asian Cup từ năm 1956 đến nay, ngoại trừ ngôi á quân của đội tuyển Miến Điện - Burma (Myanmar bây giờ) tại kỳ giải 1968, thì thành tích 2 lần vào tứ kết của đội tuyển Việt Nam cũng gây nhiều ấn tượng.
Trong nỗ lực khao khát vươn tầm, cả 4 đội dự giải lần này đều sử dụng HLV nước ngoài, xem như đó là cơ hội lớn nhất để có thể tạo ra sự cân bằng để bù vào các thua thiệt về đẳng cấp, thể hình. Điều này có nghĩa, không chỉ bảo vệ cho danh tiếng của mình tại Asian Cup, mà HLV Troussier phải cho thấy mình “đáng giá” hơn những người đồng nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản của các đối thủ khu vực Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
LONG KHANG