Sẽ có thêm kỳ tích Thường Châu cho U23 Việt Nam?

Thứ Sáu, 24/11/2023, 16:16 [GMT+7]
In bài này
.

Tại vòng chung kết U23 châu Á 2024, U23 Việt Nam rơi vào một bảng đấu được đánh giá là nhẹ hơn nhiều so với bảng đấu của Philippines. Nhưng khoan hãy mơ đến tấm vé dự Olympic…

U23 Việt Nam rơi vào bảng đấu dễ thở ở vòng chung kết U23 châu Á 2024, nhưng không thể chủ quan.
U23 Việt Nam rơi vào bảng đấu dễ thở ở vòng chung kết U23 châu Á 2024, nhưng không thể chủ quan.

Lá thăm chiều 23/11 đã đưa U23 Việt Nam vào bảng D cùng các đội U23 Uzbekistan, U23 Kuwait và U23 Malaysia. Đây được xem là một bảng đấu vừa sức, nếu không muốn nói là nhẹ nhàng hơn hẳn so với các bảng đấu khác.

U23 Uzbekistan dĩ nhiên được xác định là mạnh nhất bảng, bởi nền bóng đá Trung Á này đã có những bước tiến mạnh mẽ trong vài năm gần đây, nhất là ở cấp độ trẻ, và tấm Huy chương Đồng ASIAD 19 là minh chứng mới nhất. Họ cũng lọt vào bán kết ở cả 3 vòng chung kết U23 châu Á gần nhất, trong đó có 1 lần vô địch. Tuy nhiên, 2 đối thủ còn lại thì khá dễ chịu. U23 Malaysia vốn bị đánh giá thấp hơn chúng ta ở khu vực, trong khi U23 Kuwait cũng chỉ là một đội bóng hạng trung của Tây Á, dù với chúng ta, đó có thể là một ẩn số.

Nhìn sang các bảng khác mới thấy U23 Việt Nam vẫn còn may mắn, khi đương kim vô địch SEA Games U23 Indonesia sẽ phải đối đầu với 2 ông lớn là U23 Qatar và U23 Úc ở bảng A, trong khi Jordan vốn không phải đội lót đường. Thái Lan cũng sẽ phải tranh suất đi tiếp với U23 Iraq và đương kim vô địch U23 Saudi Arabia ở bảng C. Nhưng bảng tử thần có lẽ là bảng B, nơi quy tụ U23 Nhật Bản, U23 Hàn Quốc, U23 UAE, và U23 Trung Quốc.

Tại Olympic 2024, châu Á được phân 3 vé rưỡi. Bởi thế, 2 đội dự chung kết U23 châu Á cùng đội giành vị trí thứ 3 sẽ giành vé trực tiếp, trong khi đội thứ 4 sẽ đá play-off với 1 đại diện của châu Phi. Như vậy, để hướng tới tấm vé tới Paris, ít nhất U23 Việt Nam sẽ phải lọt vào đến bán kết, điều mà chúng ta đã không thể làm được sau kỳ tích Thường Châu.

Sân Rajamangala tối 16/1/2020, U23 Việt Nam đã thắp hy vọng đi tiếp khi mở tỷ số vào lưới U23 Triều Tiên, đội bóng đã hết cơ hội đi tiếp sau 2 trận thua trước đó, và thực tế cũng chỉ dám đá phòng ngự phản công trước thầy trò HLV Park Hang Seo. Người lập công khi ấy là Tiến Linh.

Nhưng rồi việc nôn nóng gia tăng cách biệt để vượt qua chỉ số phụ với U23 UAE và U23 Jordan, 2 đội đang đá cò cưa nhau ở trận đấu cùng giờ tại Buriram khiến U23 Việt Nam mắc sai lầm khó tha thứ. Cú đấm bóng hụt của thủ thành Bùi Tiến Dũng - người hùng Thường Châu 2 năm trước - sau một quả đá phạt từ rất xa đã khiến đội bóng đương kim á quân đổ gục. Quả phạt đền ở phút 90 - sau một pha phạm lỗi vô duyên của Bảo Toàn - chỉ xát thêm muối vào nỗi đau ấy.

Cần phải nhắc lại rằng, U23 Việt Nam khi ấy đến Thái Lan với đội hình gồm nhiều cầu thủ vừa giành Huy chương Vàng SEA Games 2019 và vẫn còn khá nhiều nhân tố trụ cột từng lọt vào chung kết ở Thường Châu 2018 như Quang Hải, Đình Trọng, Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dũng,… tất cả đều chơi dưới sức.

Nhắc lại chuyện cũ để thấy rằng, dù lạc quan trước một bảng đấu “dễ thở”, chúng ta không nên vội vã ảo tưởng về một kỳ tích Thường Châu thứ 2, nhất là khi lứa U23 hiện tại kém lứa Thường Châu trên nhiều phương diện: từ thể hình, kinh nghiệm thực chiến, cho đến khả năng thấm nhuần triết lý của huấn luyện viên. Ấy là chưa nói đến một yếu tố khách quan nhưng không kém phần quan trọng: Ở các vòng chung kết mà quyết định đến tấm vé dự Olympic, các đội tuyển lớn thường sẽ mang đội hình mạnh nhất có thể, thay vì cử U20, U21 như Nhật Bản đi để trau dồi kinh nghiệm.

Vì thế, U23 Việt Nam cứ qua vòng bảng, rồi hãy mơ!

TUẤN CƯƠNG

;
.