Trận khai màn mùa giải Night Wolf V-League 2023/2024 có tình huống VAR can thiệp vào bàn thắng khi trọng tài cho đội chủ nhà Hải Phòng được hưởng phạt đền trong trận đấu với HAGL.
Sự xuất hiện của VAR ngay ở trận đấu khai màn của V-League 2023/24 là dấu mốc đầy hứa hẹn cho một mùa giải lịch sử. |
Điểm đáng nói là ngay cả khi xem VAR, thực sự cũng khó xác định là trung vệ của HAGL có để bóng chạm tay không vì góc quay không đủ rõ. Thế nên dù có sự hỗ trợ của VAR thì trọng tài vẫn phải tự mình đưa ra một quyết định khó khăn. Rất may là trận đấu kết thúc với tỷ số hòa.
Hiểu một cách nhẹ nhàng, thì đây là VAR… phiên bản V-League. Tức là vẫn có những điểm chưa hoàn thiện do chỉ mới ở giai đoạn đầu áp dụng và các điều kiện để thực hiện VAR cũng mới dừng tại mức độ cơ bản.
Nói là “có là tốt rồi” cũng được, mà nói “từ từ rồi sẽ tốt” cũng đúng. Bởi thực tế là ngay giải Ngoại hạng Anh, nơi công nghệ VAR áp dụng đến mức cao nhất về khía cạnh kỹ thuật, chưa kể những tiến bộ của công nghệ ghi hình, thì VAR vẫn mắc những lỗi rất nghiêm trọng kể cả khi góc quay rất rõ ràng.
Sự cố nho nhỏ về VAR ở trận đấu trên sân Lạch Tray là cách V-League khởi đầu một mùa giải đầy hứa hẹn. Chỉ riêng việc mạnh dạn áp dụng VAR ngay từ trận đầu tiên cũng đã thể hiện được sự quyết tâm của các nhà tổ chức. Sai thì sẽ phải sửa, chưa tốt thì rút kinh nghiệm nhưng không đưa VAR vào đời sống bóng đá thì không được. Đơn giản vì không chỉ có các thay đổi về thời gian thi đấu, mà mùa 2023/2024 chắc chắn sẽ chứa đựng nhiều yếu tố gay cấn nếu chúng ta nhìn đến các cái tên dự giải.
Với chức vô địch lịch sử ngay từ khi vừa thăng hạng của CAHN, cũng như sự trở lại của Quảng Nam, thì mùa 2023/24 có đến 9 đội bóng từng vô địch V-League. Đó là chưa tính đến trường hợp mang ý nghĩa đại diện của CLB TP.HCM.
Chưa hết, Thanh Hóa mùa trước đã lần đầu tiên trong lịch sử của mình có một danh hiệu sau khi thắng Cúp quốc gia, kế tiếp là thắng của trận Siêu Cúp. Nói cách khác, mùa bóng này quy tụ toàn các đội bóng lừng lẫy và giàu kinh nghiệm đá V-League.
KẾT QUẢ VÒNG 1 Công an Hà Nội 1-1 Bình Định; TP.HCM 2-0 Khánh Hòa; Nam Định 2-1 Quảng Nam; SLNA 1-1 Viettel; Thanh Hóa 2-2 Hà Tĩnh; Hải Phòng 1-1 HAGL. |
Như Hà Tĩnh chẳng hạn, từ lúc lên hạng đến nay năm nào họ cũng có thể “gây sốc” trước các đội bóng lớn. Bị đánh giá thấp như Khánh Hòa thì vẫn giữ được chất “ngổ ngáo”. Ẩn số lớn nhất chính là tân binh Quảng Nam, nhưng bài học rớt hạng 3 năm trước chắc chắn khiến cho chuyến trở lại này của họ không thể xem thường. Tóm lại, đây là mùa bóng có nhiều ứng cử viên vô địch và rất ít đội bóng bị xem là “cầm chắc vé xuống hạng”.
Bóng đá Việt Nam đang ở một giai đoạn khá nhạy cảm, khi tầm ảnh hưởng của đội tuyển quốc gia đang kém xa so với cách đây vài năm, khi còn dưới thời HLV Park Hang-seo. Mặc dù lòng tin dành cho ông Philippe Troussier vẫn có, nhưng sự bi quan về thành tích đã xuất hiện nhiều hơn. Điều này có nghĩa V-Leaague phải “tự thân vận động” để tìm kiếm giá trị của mình sau nhiều mùa giải được hưởng lợi từ bầu không khí phấn khích đến từ đội tuyển.
Người hâm mộ có thể chuyển hướng quan tâm, hoặc có thể bớt xem bóng đá nội, nên trách nhiệm của V-League là phải đem lại sự lạc quan mới trước khi đội tuyển Việt Nam của HLV Troussier làm nốt phần còn lại.
Ngẫm cho cùng, cũng như chuyện về VAR ở trận khai màn, có khó khăn thì mới thấy được giá trị thật. Dù có trục trặc đến đâu thì VAR vẫn phải được triển khai. Nếu những trận đấu V-League càng quyết liệt, sòng phẳng, kịch tính thì VAR mới có áp lực phải ngày càng tốt hơn, rõ nét hơn để giải quyết các tình huống nhạy cảm.
Bao năm qua, V-League “sống” trong cái bóng của đội tuyển quốc gia, giờ là lúc vai trò mang tính xương sống của giải đấu vô địch quốc gia cần phải được thể hiện.
LONG KHANG