.

ASIAD 19 và giấc mơ của bóng đá Việt Nam

Cập nhật: 19:18, 08/09/2023 (GMT+7)

Bóng đá Việt Nam đang ở một giai đoạn khá thú vị: Vừa cố gắng duy trì những gì dưới triều đại Park Hang Seo đã làm được, nhưng vẫn phải tìm cách làm tốt hơn trong khi nguồn lực lại có phần hạn chế. 5 năm sau kỳ tích vào đến trận tranh HCĐ ASIAD, đội Olympic Việt Nam đang khởi động chiến dịch khi không phải mang trọng trách bảo vệ thành tích của kỳ đại hội trước.

Đội hình Olympic Việt Nam thi đấu với Olympic Hàn Quốc ở bán kết ASIAD 2018 chẳng khác nào đội tuyển Việt Nam, với sự hiện diện của lứa U23 Thường Châu cùng Văn Quyết và Anh Đức.
Đội hình Olympic Việt Nam thi đấu với Olympic Hàn Quốc ở bán kết ASIAD 2018 chẳng khác nào đội tuyển Việt Nam, với sự hiện diện của lứa U23 Thường Châu cùng Văn Quyết và Anh Đức.

Bóng đá Việt Nam khá có duyên với ASIAD. Năm 2015, đội Olympic của HLV Toshiya Miura có chiến thắng bất ngờ 3-1 trước Olympic Iran tại vòng bảng và giành quyền vào vòng kế tiếp, một trận đấu mà giới truyền thông quốc gia này gọi là "địa chấn". Đến năm 2018, thầy trò HLV Park Hang Seo còn làm tốt hơn, lần đầu có chiến thắng trước một đội tuyển của Nhật Bản với tỷ số 1-0 ở vòng bảng và sau đó vào đến trận tranh hạng 3. Trước đó, năm 2010, khi thay HLV Henrique Calisto dẫn dắt Olympic dự ASIAD 2010, HLV Phan Thanh Hùng cũng đưa đội vượt qua vòng bảng.

Những bất ngờ đó, thật ra cũng không hẳn là những bất ngờ. Bóng đá ở các đại hội thể thao như ASIAD, hay cao hơn là Olympic luôn ở một góc độ khác so với các sự kiện bóng đá thế giới. Sự có mặt của các cầu thủ quá tuổi, cũng như việc HCV môn bóng đá cũng chỉ được tính là 1 huy chương trên bảng tổng sắp, chi phí tham gia lại quá lớn, nên các đội Olympic không hẳn đã đại diện cho nền bóng đá của các quốc gia.

Đơn cử như Brazil hùng mạnh là vậy, nhưng phải đến năm 2016 khi tổ chức Olympic trên sân nhà thì mới lần đầu đoạt HCV. Với các quốc gia hàng đầu của bóng đá thế giới, gần như không tồn tại khái niệm về U23, một độ tuổi mà cầu thủ đã đá chuyên nghiệp, lên đội tuyển từ lâu.

Thành công của Việt Nam tại môn bóng đá ASIAD gần đây cũng một phần do chúng ta sử dụng đội hình rất mạnh, tốt nhất của U23 cộng với các cầu thủ lớn tuổi chất lượng cao. Ví dụ như ở ASIAD 2018, đội Olympic của ông Park Hang Seo chẳng khác gì đội tuyển quốc gia khi tập hợp lứa U23 vừa đá chung kết tại giải châu Á và bổ sung thêm cầu thủ quá tuổi. Trong khi đó, đội Olympic của Nhật Bản khi  đó thực chất là đội U21 của quốc gia này.

Lần này Việt Nam đến ASIAD 2023 với đội hình có nhiều cầu thủ 20 tuổi và do HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt. Nghĩa là lần đầu tiên, chúng ta tiếp cận với môn bóng đá ASIAD bằng một tư duy hoàn toàn khác. Chưa biết đây là chủ trương của HLV Philippe Troussier hay một phần trong chiến lược của VFF, nhưng cách tiếp cận này đáng để hoan nghênh.

Nếu nhìn lại các kỳ ASIAD gần nhất, thì rõ ràng bóng đá Việt Nam có cơ hội lớn để thành công tại sân chơi này, nhưng chúng ta chọn cách từ bỏ điều đó để lấy chỗ cho mục tiêu tích lũy kinh nghiệm của cầu thủ trẻ. Đó là một lựa chọn phù hợp. Lịch thi đấu của bóng đá châu Á hiện giờ không thiếu các giải đấu để rèn giũa tài năng, nhất là khi giải U23 châu Á được ra đời cách đây gần 10 năm, trong khi ASIAD 4 năm mới diễn ra 1 lần.

Nhưng có thể nói HLV Troussier đã rất dũng cảm nếu như chính ông là người đưa ra kế hoạch dùng đội U20 cho ASIAD. Cho đến thời điểm này, sau các giải giao hữu tại Doha, rồi SEA Games và sắp đến là ASIAD, các đội tuyển trẻ Việt Nam đều không có các kết quả mỹ mãn, thậm chí nó ở khá xa so với những gì đã đạt được dưới thời HLV Park Hang Seo.

Ông Troussier vẫn còn được ủng hộ vì người ta kỳ vọng nhiều vào tư tưởng mới mẽ từ cách chơi bóng, cũng như ai cũng thấy là những gì mà triều đại Park Hang Seo đã làm, cũng đến giới hạn thành tích mất rồi. Không thay đổi không được, mà đã thay đổi thì sẽ có thành, có bại.

Câu chuyện về Olympic Việt Nam và môn bóng đá ở ASIAD ít nhiều cũng phản ánh bầu không khí của thể thao Việt Nam nói chung khi tiếp cận với đại hội thể thao lớn nhất khu vực. Sau hơn 3 thập niên dự SEA Games, đã vươn lên vị trí hàng đầu khu vực, nhưng khi bước ra sân chơi châu lục, chúng ta vẫn còn có khoảng cách lớn, không thực sự làm chủ được các giá trị thành tích của mình. Có một điểm nghẽn nào đó trong tiến trình tiến ra thế giới của thể thao Việt Nam.

Lấy ví dụ như việc đội tuyển nữ bóng chuyền vừa vào đến bán kết giải châu Á, hiện có vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng của châu Á. Nhưng cái vị trí thứ 5 này lại có giá trị khá tương đối, vì chúng ta còn cách khá xa với top 4 đội hàng đầu là Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Hàn Quốc. Đây là những quốc gia mặc định có suất chơi ở FIVB Nations League - giải đấu số 1 của làng bóng chuyền nữ thế giới.

Chúng ta mất gần 3 thập niên mới từ ngoài top 10 lên đến hạng 5, nhưng để chen chân vào top 4 thì chẳng biết đến bao giờ, vì thực tế là chúng ta đã thua đến 11 trận chung kết SEA Games khi gặp Thái Lan, đội đang nằm ở hạng 3-4 châu Á. Chẳng có cơ sở nào để nghĩ đến việc thay đổi thứ hạng cả.

Từ lần đầu tiên có HCV ở ASIAD, do công của tuyển thủ Taekwondo Hồ Nhất Thống năm 1994 đến nay, số lượng huy chương của Việt Nam vẫn tăng đều, từ 3 huy chương năm 1994 đến 39 chiếc năm 2018, nhưng số lượng HCV lại trồi trụt thất thường. Năm 2002 thì có 4 chiếc, sau đó lại tụt xuống và đến 2018 mới lên lại 5 HCV. Thời gian trôi qua, thành tích vẫn đứng yên dù đã trãi qua nhiều thế hệ VĐV và sự thăng tiến mạnh mẽ ở SEA Games.

Tại sao vậy? Cứ nhìn môn bóng đá thì biết. Có câu nói, đủ tốt nhưng vẫn không phải là tốt nhất. Các nền thể thao Thái Lan, Indonesia hay Malaysia dù có những bất lợi so với Việt Nam ở đấu trường SEA Games, nhưng họ vẫn tin rằng nền thể thao của mình không hề thua kém, chủ yếu nhờ thành tích ở các đấu trường lớn như ASIAD.

Ngược lại, ngay chính các nhà làm thể thao Việt Nam dù khá tự tin khi đặt mục tiêu SEA Games, nhưng lại không thể chắc chắn kết quả thi đấu ở tầm ASIAD. Mấu chốt vẫn là chúng ta chưa từng đặt ra những tham vọng thực sự lớn ở các sân chơi tầm cỡ để biết "hy sinh" các thành tích ngắn hạn. Thắng hàng trăm huy chương ở SEA Games, nhưng chỉ tiêu HCV ở ASIAD thì cứ phải "rón rén" vài chiếc.

Vậy nên mới thấy quý cái tư duy mới của bóng đá. Mục tiêu của chúng ta là World Cup thì phải tạm bỏ qua ASIAD, kể cả khi có cơ hội để đạt thành tích nào đó…

LONG KHANG

.
.
.