Tròn 30 năm kể từ ngày ý tưởng thành lập đội bóng đá nữ đầu tiên ra đời tại quận 1, TP.Hồ Chí Minh, bây giờ đội tuyển Việt Nam đang đứng trước thời khắc lịch sử: Đặt chân lên sân cỏ World Cup.
Bóng đá nữ Việt Nam đã có sự phát triển vững chắc và tuần tự để hiện tại là sắp sửa tranh tài ở một kỳ World Cup. |
Đó vốn chỉ tưởng là câu chuyện của những người mộng mơ, nhưng thực tế cho thấy bóng đá nữ Việt Nam có thể làm được nhiều hơn thế. Nói việc dự World Cup nữ 2023 là sự khởi đầu cho tất cả, cũng vì thế.
Giải vô địch quốc gia nữ chỉ mới ra đời vào năm 1998, thời điểm mà bóng đá nam đã có mặt trong trận chung kết Tiger Cup sau gần 20 năm vận hành giải vô địch. Vậy nhưng đến năm 2018, tức là chỉ sau 2 thập niên, bóng đá nữ đã đến rất gần với chiếc vé dự World Cup bằng trận play-off với Thái Lan trên sân Thống Nhất. Chúng ta đã lỡ cơ hội đó nhưng cũng đã thành công ở lần tiếp theo.
Có một chi tiết đáng lưu ý: Từ năm 1998 đến nay, gần như giải vô địch nữ chỉ có chừng đó CLB tham gia. Không có giải đấu thứ cấp, tính cạnh tranh cũng không quá cao khi TP.HCM và Hà Nội thay nhau vô địch mà chủ yếu là TP.HCM. Mô hình phát triển của bóng đá nữ vẫn theo kiểu bao cấp, “nuôi gà chọi” cho đến vài năm gần đây, khi nhận được nhiều sự hỗ trợ tài chính hơn để có thêm Cúp quốc gia. Trên một nền tảng như vậy mà chúng ta vẫn giành vé dự World Cup, đó là một kỳ tích, đồng thời cũng cho thấy tiềm năng lớn của bóng đá Việt Nam.
23 cầu thủ dự World Cup nữ 2023
HLV Mai Đức Chung và các cộng sự đã thảo luận và thống nhất danh sách 23 nữ tuyển thủ lên đường tới New Zealand và Australia tham dự Vòng chung kết World Cup nữ 2023. Thủ môn (3): Trần Thị Kim Thanh (TP. HCM), Khổng Thị Hằng (TKS Việt Nam), Đào Thị Kiều Oanh (Hà Nội)
Hậu vệ (9): Chương Thị Kiều, Trần Thị Thu Thảo, Trần Thị Thu (TP HCM), Hoàng Thị Loan, Trần Thị Hải Linh (Hà Nội), Lê Thị Diễm My, Lương Thị Thu Thương (TKS Việt Nam), Nguyễn Thị Mỹ Anh, Trần Thị Thuý Nga (Thái Nguyên)
Tiền vệ (7): Nguyễn Thị Tuyết Dung (Hà Nam), Nguyễn Thị Bích Thùy, Trần Thị Thùy Trang (TP HCM), Ngân Thị Vạn Sự, Nguyễn Thị Thanh Nhã, Thái Thị Thảo (Hà Nội), Dương Thị Vân (TKS Việt Nam)
Tiền đạo (4): Huỳnh Như (Lank FC), Phạm Hải Yến, Vũ Thị Hoa (Hà Nội), Nguyễn Thị Thúy Hằng (TKS Việt Nam).
|
Thế nên, cuộc hành trình đi đến vé dự World Cup không chỉ được tính bằng thời gian, mà còn là hàng triệu giọt mồ hôi trong tập luyện, những chấn thương đau đớn không có tiền để chữa trị, cả tuổi thanh xuân và không ít dị nghị về chuyện “con gái mà đi đá bóng”. Nói cách khác, các nữ cầu thủ của chúng ta đã hy sinh quá nhiều. Chiếc vé dự World Cup là sự tưởng thưởng xứng đáng cho họ, nhưng sự đầu tư dành cho bóng đá nữ thì chưa tương xứng, ít nhất là ở góc độ phát triển phong trào.
Khi Huỳnh Như sang Bồ Đào Nha chơi bóng, giới quan sát chỉ nhìn thấy chưa tới 10% cơ hội để cô tỏa sáng. Những gì sau đó đã là lịch sử. Điều tương tự cũng vừa xảy ra khi đội tuyển nữ Việt Nam đá giao hữu với đội tuyển Đức, một trong những đội bóng thành công nhất lịch sử bóng đá nữ với 2 chức vô địch thế giới và 8 lần vô địch châu Âu.
Các cô gái Việt Nam thua trận, nhưng tỷ số chỉ là 1-2 và vì thế, giới truyền thông Đức thay vì khen đội tuyển Việt Nam lại quay sang đâm lo cho triển vọng của đội nhà. Người Đức “sốc” vì đây là trận giao hữu chính thức duy nhất của Đức trước World Cup 2023. Họ vẫn nghĩ Việt Nam là đội bóng bé nhỏ. Ngay đội trưởng đội tuyển Đức còn nói với hãng thông tấn DW: “Việt Nam không phải là dạng đối thủ của chúng tôi tại World Cup nên việc này cũng không lo lắm”.
Nhưng nếu nhìn từ góc độ Việt Nam, chúng ta nhìn thấy sự tiến bộ của các học trò HLV Mai Đức Chung. Hay nói cách khác, chúng ta luôn có thể làm tốt hơn, miễn là có chiến lược hợp lý. Nói việc dự World Cup của bóng đá nữ là khởi đầu cho mọi việc là thế. Tấm vé này khác hẳn với trường hợp của U20 hay futsal, bởi bóng đá nữ Việt Nam có một quá trình tiến bộ với sự tích lũy rất lớn.
Chúng ta đang là kỷ lục gia SEA Games, là đội bóng số 1 Đông Nam Á và ổn định suốt từ 2001 đến nay. Điều này cho phép bóng đá nữ có thể duy trì khả năng dự World Cup một cách dài hạn. Cũng giống như một cây cột trụ chống đỡ cho tham vọng vươn lên của cả nền bóng đá, khi nào đội tuyển nữ vẫn dự World Cup thì các thành phần khác trong nền bóng đá sẽ có xung lực tiến bộ.
Chúng ta đã dự futsal World Cup, U20 World Cup và bây giờ là bóng đá nữ. Quan sát kỹ, chúng ta sẽ nhìn thấy một con đường rộng mở cho nền bóng đá. Nhưng bài học của Thái Lan vẫn còn đó. Họ cũng đã có những thành công như vậy trước chúng ta, nhưng giờ thì giậm chân và có thể tụt lại. Trong kinh tế có thuật ngữ “bẫy thu nhập trung bình” thì trong bóng đá cũng có kiểu trạng thái như vậy.
Chắc chắn cuộc trải nghiệm sắp đến ở World Cup 2023 được tổ chức tại Australia và New Zealand sẽ đầy thử thách, như một con thuyền đi vào tâm bão vậy. Nhưng đó là đấu trường mơ ước, là đỉnh cao của sự nghiệp cầu thủ, là cái đích sau cùng của niềm đam mê chơi bóng.
Thầy trò HLV Mai Đức Chung không được kỳ vọng sẽ tạo ra được kỳ tích ở sân chơi quá tầm, nhưng sự có mặt của họ tại ngày hội lớn nhất thế giới tự thân nó đã mở ra vận hội mới cho bóng đá Việt.
Theo kế hoạch, vào ngày 5/7, đội tuyển nữ Việt Nam sẽ di chuyển sang New Zealand. HLV Mai Đức Chung và các học trò sẽ có gần 2 tuần để làm quen và thích nghi với các điều kiện tại nơi diễn ra bảng E VCK bóng đá nữ thế giới 2023.
Trong thời gian này, ĐT nữ Việt Nam sẽ còn 2 lần thử nghiệm đội hình bằng trận giao hữu với chủ nhà New Zealand (ngày 10/7) và ĐT nữ Tây Ban Nha (ngày 14/7).
|
LONG KHANG