3/4 đội dẫn đầu Night Wolf V-League 2023 sau lượt trận 12 đều có sân nhà là Hàng Đẫy. Và dường như chắc chắn, họ sẽ tiếp tục là những ứng viên nặng ký cạnh tranh chức vô địch mùa này, khi giải đấu phân tách nhóm sau vòng 13.
CLB Hà Nội và CAHN đang là 2 trong số những ứng viên sáng giá nhất cho chức vô địch V-League mùa bóng năm nay. |
Trong 13 mùa giải gần nhất, Hàng Đẫy đã thu về 7 chức vô địch V-League, trong đó 6 thuộc về CLB Hà Nội, 1 còn lại dành cho Viettel. Cũng trong khoảng thời gian này, Hà Nội FC có thêm 3 chiếc Cúp QG, 5 Siêu Cúp, cùng vô số các ngôi vị á quân ở 2 giải đấu cao nhất Việt Nam.
Luận về thành tích, không một đội bóng nào đọ được với CLB Hà Nội ở kỷ nguyên lên chuyên. Trước khi CAHN xuất hiện trở lại như một thế lực, với thứ bình cũ nhưng là rượu mới, cơ chế mới, Hà Nội FC thực sự vô đối. Thậm chí ngay lúc này, đội bóng của bầu Hiển vẫn đủ khả năng cạnh tranh sòng phẳng với đối thủ cùng thành phố, với chỉ 2 điểm ít hơn. Nhưng...
Có lẽ Hà Nội FC sẽ lùi lại một bước, để dồn lực cho đấu trường châu lục. Họ đã, đang và sẽ có một chiến lược mới, dài hơi hơn, đang muốn bơi ra biển lớn, chứ không chỉ quanh quẩn ở đấu trường V-League hay Cúp QG, Siêu Cúp... vốn đã no nê danh hiệu.
Chỉ mới 10 năm về trước, người ta vẫn hay ví von, rằng mọi ngả đường đều dẫn về Thủ Dầu Một, nơi B.Bình Dương đóng quân. Kỷ nguyên của đội bóng đất Thủ bắt đầu từ mùa giải đầu tiên họ lên hạng (2004) và kéo dài đến năm 2016, với 4 chức vô địch V-League và thậm chí từng là đội bóng đầu tiên của Việt Nam lọt vào tới bán kết AFC Cup (2009) và chơi cực bốc ở AFC Champions League.
B.Bình Dương ở giai đoạn cực thịnh tập hợp được rất nhiều ngôi sao và trở thành đối trọng thực sự với HAGL và GĐT.LA. Giai đoạn 2003-2012 cũng là khoảng thời gian V-League phát triển nhất và được xem là một trong những giải đấu hấp dẫn nhất Đông Nam Á, với rất nhiều cầu thủ đẳng cấp tề tựu về, bán được bản quyền truyền hình.
Có thể thấy, tính cạnh tranh của giải đấu cao nhất Việt Nam đã thuyên giảm đi nhiều trong khoảng 10 năm đổ lại. Nó là hệ lụy của các cuộc khủng hoảng kinh tế diện rộng, của làn sóng dịch COVID-19 kéo dài, và ngoài ra, phải kể đến một công thức vận hành cũ kỹ, lười chuyển đổi và thay đổi triệt để.
Quyền lợi của CLB, những diễn viên chính của cuộc chơi, không hoặc ít được chú trọng, mà điển hình là tranh chấp không hồi kết giữa HAGL và BTC giải đấu, xung quanh chuyện tài trợ, hồi đầu mùa...
CAHN dường như sẽ có được chữ ký của thủ thành Filip Nguyễn vài ngày tới đây, sẵn sàng tạo nên một cuộc khủng hoảng thừa trong khung gỗ và ở cả các vị trí khác. Song ngay cả khi không tăng cường, mà thậm chí sẵn sàng cho “đối tác” mượn quân, như trường hợp của đội trưởng Tô Văn Vũ về với Nam Định, thì đội bóng Thủ đô vẫn thừa lực và rộng đường vô địch.
Trong khi Hàng Đẫy đã và đang thăng hoa, thì thật đáng thương cho ít nhất 3 cựu vương còn lại, các đội bóng nắm giữ 8 chức vô địch ở thời đại V-League là SLNA, SHB Đà Nẵng, HAGL và B.Bình Dương phải vật lộn với suất xuống hạng. Tiền là một phần, nhưng có thể thấy ngay “cái giá” của cơ chế điều hành và làm bóng đá kiểu cũ, bởi tính ra, đào tạo trẻ của các đội bóng này không tệ, nếu không muốn nói là còn trội hơn nhiều các đội khác. Đau xót thay!
TRỊNH KHÁNH