SEA Games 32 - Khép lại và hướng tới "chân trời" mới
SEA Games 32 tại Campuchia đã chính thức khép lại. Dù vẫn còn những “hạt sạn”, nhưng sự kiện này vẫn để lại ấn tượng đẹp và trở thành ngày hội văn hóa - thể thao kết nối các quốc gia của khu vực Đông Nam Á. Từ lần tổ chức thứ 33, SEA Games được định hướng để trở nên chuyên nghiệp và hội nhập sâu rộng hơn nữa với thế giới.
Khoảnh khắc VĐV Bou Samnang vẫn cố gắng về đích trong mưa là một trong những hình ảnh đẹp của SEA Games 32. |
Ngày hội ấn tượng và cảm xúc
Tối 17/5, ngọn đuốc trên sân Morodok Techo đã tắt, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố bế mạc kỳ SEA Games 32 đầy ấn tượng và cảm xúc.
Không thể nói SEA Games 32 đã thành công không “tì vết”. Như việc chủ nhà Campuchia đưa nhiều bộ môn và điều lệ “lạ” vào chương trình đại hội, hay trận chung kết môn bóng đá nam đầy bạo lực vẫn là những “hạt sạn” cần khắc phục. Nhưng công bằng mà nói, SEA Games 32 đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè khu vực và quốc tế.
Như trong buổi lễ bế mạc đầy đặc sắc, không chỉ những VĐV giành nhiều huy chương Vàng, phá nhiều kỷ lục nhất được vinh danh, mà là một người đã về cuối trong cuộc đua của mình đã trở thành “verdest”. Nữ VĐV điền kinh Campuchia Bou Samnang về cuối ở đường chạy 5.000m, nhưng đã trở thành “ngôi sao” của đại hội với hình ảnh xúc động khi vừa khóc, vừa nỗ lực chạy một mình trong cơn mưa xối xả để về đích, chiến thắng bản thân.
Đây chỉ là một trong nhiều ấn tượng đẹp tại kỳ SEA Games được tổ chức tại Campuchia. Đó có thể là những khoảnh khắc của chiến thắng, của những tấm huy chương Vàng danh giá, nhưng cũng có thể là những giọt nước mắt khi thất bại trước ngưỡng cửa thiên đường. Cùng với đó là những tình huống đầy tính fair play và tinh thần thể thao cao thượng của các đội tuyển, các bộ môn thi đấu và VĐV.
Nhà vua Campuchia Norodom Sihamoni đã viết trên Facebook: “Thể thao không chỉ là chuyện thắng thua trước đối thủ. Bản chất cuối cùng của một VĐV là thể hiện sức bền, sự kiên trì và tự chủ trước những thử thách mà họ gặp phải. Ở thế giới bên ngoài, một bước nỗ lực là một bước gần hơn với thành công”.
Nâng tầm SEA Games
SEA Games 32 kết thúc, nước chủ nhà đã nỗ lực và tổ chức một trong những kỳ đại hội đầy ấn tượng, góp phần lan tỏa hình ảnh nổi bật của con người, đất nước có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa.
Tuy nhiên, để sự kiện này xứng tầm với sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước Đông Nam Á thì vẫn “chưa tới”. Và sự thay đổi là điều tất yếu. Vừa qua, Hội đồng Olympic Đông Nam Á vừa thông qua những quyết định quan trọng về công tác tổ chức của đại hội và sẽ bắt đầu thực hiện từ SEA Games 33 tại Thái Lan.
Quan trọng và được nhiều người quan tâm nhất là về số lượng và bộ môn thi đấu. Các môn thể thao có tính quốc tế sẽ được ưu tiên trong chương trình thi đấu. Cụ thể, ban tổ chức sẽ chia làm 3 nhóm, gồm các môn Olympic, ASIAD và nhóm các môn thể thao cổ truyền.
Trong đó, tại SEA Games, nhóm cổ truyền chỉ được đăng ký tối đa 2 môn với 8 nội dung. Còn lại, ban tổ chức sẽ lựa chọn các môn ở nhóm ASIAD và Olympic để hướng tới sự phát triển chung của thể thao khu vực, theo kịp xu thế phát triển thể thao thế giới, nhưng vẫn dung hòa được yếu tố quảng bá văn hóa truyền thống của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Sự kiện này cũng sẽ được tổ chức trở lại vào khoảng thời gian cuối năm, khi thời tiết của đa số quốc gia tại khu vực Đông Nam Á thuận lợi hơn cho màn tranh tài đỉnh cao của các VĐV hàng đầu khu vực.
Đến thời điểm này, Đông Nam Á vẫn đang được xem là một trong những “vùng trũng” của thể thao thế giới. Rõ ràng, việc các quốc gia của khu vực đều đồng lòng mong muốn phát triển đại hội thể thao khu vực là tín hiệu vui, không chỉ cho mục tiêu nâng tầm SEA Games, mà còn hướng đến nâng cao vị thế của thể thao khu vực Đông Nam Á trên trường quốc tế.
QUANG VINH