Real Madrid, Barcelona và Juventus được cho là đã liên hệ với hơn 50 CLB để thông báo về những điều chỉnh của European Super League (ESL) so với 2 năm trước.
Chủ tịch Real Madrid, Florentino Perez rất quyết liệt với dự án ESL. |
A22 Sports Managent, công ty có trụ sở tại Madrid, vừa công bố rộng rãi các điều chỉnh trong dự án European Super League. Đây là đơn vị nhận trách nhiệm quảng bá và truyền thông cho giải đấu. Thông báo của A22 diễn ra chỉ hơn một tuần sau khi một tòa án Tây Ban Nha ra phán quyết có lợi cho các CLB muốn thành lập ESL. Theo đó, FIFA và UEFA không có căn cứ nào để ngăn cản các thành viên của họ thành lập một giải đấu riêng.
Những điều chỉnh
Trong một đoạn video được công bố vào chiều 9/2, người phát ngôn của A22 đưa ra nhiều điều chỉnh đáng chú ý cho dự án ESL. Dự án mới sẽ bao gồm nhiều hạng đấu với số lượng dự kiến từ 60-80 đội, không có CLB nào được cố định suất tham dự. Bên cạnh đó, mỗi CLB tham dự cũng được đơn vị tổ chức cam kết thi đấu tối thiểu 14 trận/mùa.
A22 tuyên bố dự án mới này là kết quả của cuộc họp giữa họ với nhiều CLB trên khắp châu Âu. Phần lớn các đội muốn tham gia dự án ESL để giải quyết bài toán tài chính phải đối mặt. Trong vài tháng qua, A22 và ban tổ chức ESL tập trung khoét sâu vào sự chênh lệch giàu có giữa Ngoại hạng Anh và phần còn lại của bóng đá châu Âu.
Họ cho rằng, cách Chelsea chi tới hơn 300 triệu bảng trong kỳ chuyển nhượng giữa mùa, con số gấp nhiều lần so với mức mua sắm của cả La Liga, Bundesliga, Serie A và Ligue 1 cộng lại, cho thấy nguy cơ với bóng đá châu Âu. Điều đó thúc đẩy nhiều CLB khác như Real Madrid, Juventus hay Barcelona phải khởi động lại dự án ESL.
Trên tờ Welt của Đức, Giám đốc Điều hành A22, Bernd Reichart, công kích UEFA khi tuyên bố các CLB không có tiếng nói trong việc điều hành các giải đấu của tổ chức này. Reichart viết: “Chính các CLB mới là những người phải chịu rủi ro kinh doanh trong bóng đá. Nhưng khi phải đưa ra những quyết định quan trọng, họ thường bị buộc phải đứng ngoài lề bởi quyền lực điều hành nằm trong tay UEFA”.
CEO của A22 tiết lộ thêm: “Sau những cuộc nói chuyện với các CLB, chúng tôi biết rõ rằng, các CLB thường không thể lên tiếng công khai chống lại một hệ thống, khi hệ thống này đe dọa trừng phạt nhằm ngăn chặn sự phản đối”.
A22 không công bố chi tiết số tiền bản quyền truyền hình, hay thể thức của giải đấu. Tuy nhiên, họ khẳng định dự án ESL mới này sẽ đem lại nền tảng tài chính bền vững cho các đội tham dự, cũng như mang đến trải nghiệm mới mẻ cho người hâm mộ.
Trong lần tuyên bố đầu tiên vào tháng 4/2021, những nhà sáng lập ESL khẳng định, giải đấu sẽ không có suất xuống hạng. Giải đấu khi đó mang tính khép kín khi chỉ còn 15-20 đội hàng đầu châu Âu. Tuy nhiên, với thể thức mới được công bố, ESL sẽ mang tính mở và tạo cơ hội cho nhiều CLB trên khắp châu Âu.
Tham vọng thay thế Champions League
Ban lãnh đạo của Real Madrid, Barcelona và Juventus, 3 CLB chủ chốt trong dự án ESL, muốn dùng giải đấu mới để thay thế hoàn toàn Champions League. Những điều chỉnh thể thức từ UEFA trong thời gian qua không khiến Andrea Agnelli hay Florentino Perez hài lòng.
Việc tòa án Tây Ban Nha vào cuối tháng 1 vừa qua, ra phán quyết bảo vệ các CLB sáng lập ESL trước bất kỳ án phạt tiềm năng nào từ UEFA khiến Juventus hay Real Madrid trở nên tự tin hơn. Bài toán đặt ra với các ESL lúc này nằm ở việc thuyết phục những CLB lớn quay lại, đặc biệt là nhóm đội bóng Anh.
Telegraph nhận định top 6 CLB Ngoại hạng Anh không phản đối ESL và sẵn sàng tham gia nếu có cơ hội. Song, họ không muốn gặp bất kỳ rủi ro nào ở đấu trường trong nước, sau khi vấp phải phản ứng dữ dội từ công chúng Anh 2 năm trước. Chính quyền Anh khi đó dọa trừng phạt nặng 6 CLB hàng đầu Premier League vì tham gia dự án ESL.
Lần trở lại này của ESL mang tính khéo léo hơn về mặt truyền thông, khi họ hướng tới số đông CLB đang gặp vấn đề về tài chính của châu Âu. Sự thay đổi về thể thức của giải đấu cũng mang đến cơ hội cho nhiều CLB nhỏ hơn.
Bên cạnh đó, thông điệp từ A22 cũng nhằm thăm dò phản ứng của dư luận, đặc biệt là nhóm cổ động viên trung thành của những đội tại Serie A hay La Liga, các CLB ngày càng cảm thấy lép vế về tài chính so với Ngoại hạng Anh. Một cuộc cách mạng về giải đấu có thể giúp phần còn lại của bóng đá châu Âu thu hẹp chênh lệch tiền bạc với bóng đá Anh.
TƯỜNG LINH