Vài thế kỷ nay môn túc cầu rất thịnh hành, người người mê đắm - giàu có là từ đây mà thảm họa cũng là từ đây (!). Một cựu Chủ tịch FIFA trả lời truyền hình nước Anh: “Ngày 15/11/2022, thế giới cán đích 8 tỷ người, không dưới 2 tỷ người mê túc cầu”. Ông nói thêm khi kết thúc cuộc trả lời phỏng vấn: “Cầu mong thế giới có hòa bình, không súng đạn, bóng đá vẫn lên ngôi, sống khỏe. Cầu chúc ông “Vua áo đen” luôn có sự công tâm (!)”. Thì ra vậy, “Vua áo đen” - trọng tài môn thể thao vua - là niềm vui nhưng cũng là sự ám ảnh, đôi khi là sự “Chết lặng” (từ gọi của Vua bóng đá Pele).
Những quyết định của trọng tài có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trận đấu. |
Giải bóng đá vô địch quốc gia V-League 2022 nhiều gay cấn vào thời điểm hạ màn. Đội bóng thủ đô Hà Nội lần thứ 6 lên ngôi vương. Trận đấu áp chót trên sân nhà, Ban quản lý sân bóng Hải Phòng bị phạt tiền 70 triệu, bởi tệ nạn bắn pháo sáng phi thể thao, ẩn chứa bao tai họa tái diễn. Kẻ cười ăn mừng đại thắng. Và có cả người khóc khi họ đá bóng bết bát, người hâm mộ quay lưng, buộc phải xuống hạng. Ngay sau khi mùa giải V-League 2022 mãn cuộc, các sân cỏ Qatar lại đang nóng lên từng ngày khi tiếng còi khai cuộc World Cup 2022, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh kéo dài 4 tuần, từ ngày 20/11 - trận cầu mở màn- đến ngày 18/12 - trận cầu chung kết- ghi tên nhà vô địch. Các ông “Vua áo đen” đầy quyền uy tung hoành trên sân cỏ trở thành đề tài bàn luận “nóng” muôn thuở.
Tôi vinh hạnh có mặt trong cuộc tọa đàm mini về ông “Vua áo đen” tại một nhật báo ở TP. Hồ Chí Minh. Diễn giả nhắc chuyện một cầu thủ bóng đá giải hạng Nhì đã đánh “vỡ mồm” một trọng tài trên sân cỏ mùa giải 2022, cách đây mấy tháng. Một bình luận viên thể thao thẳng thẳn:
- Chỉ trích cầu thủ là việc cần làm, bởi cái lý xưa nay của đấng mày râu, rằng: Cầu thủ đánh trọng tài bất luận lý do gì đều là sai toét, không thể tha thứ, đó là bạo lực sân cỏ, phi đạo đức thể thao. Nhưng nói đi thì phải nói lại, cách hành xử của các “Vua áo đen” sân cỏ, lắm khi “bẻ còi” khó hiểu, quá quắt, không công tâm, thiên vị mười mươi, ai mà chịu nổi? Cầu thủ dù là biết sai nhưng họ vẫn ục cho, do không kiểm soát được cơn nóng giận, “Vua áo đen” cũng nên lấy đó làm bài học nhớ đời?
Cuộc tọa đàm mini về môn thể thao túc cầu nọ ngay lập tức “nóng” lên, liệt kê hàng loạt ví dụ điển hình về cái sự “bẻ còi” rất không bình thường, nặng mùi tiêu cực của một số “Vua áo đen” trong một số trận đấu trên sân cỏ mùa giải V-League 2022. Đó chính là điểm yếu, thậm chí là vết “bẩn” của một mùa giải khá kịch tính, hấp dẫn kéo hàng triệu lượt người hâm mộ ra sân vui buồn cùng trái bóng lăn trong mùa giải V-League 2022.
FIFA World Cup 2022 tại Qatar lại kéo theo cả tỷ người trên hành tinh cùng thức, cùng ăn, cùng ngủ với trái bóng tròn. Điều chung nhất là mọi người cùng tận vui, tận hưởng niềm khát khao chiến thắng môn thể thao… túc cầu. Từ điển tiếng Việt định nghĩa 2 từ trọng tài là người điều khiển công minh và xác định thành tích trong cuộc thi đấu thể thao - bóng đá, thi đấu quyền Anh; Trọng tài là người phân xử, giải quyết các cuộc tranh chấp. Thế là quá rõ chức phận của các trọng tài! FIFA có tiêu cực không? Xin thưa: Có. Trọng tài trên đấu trường World Cup có “bẻ còi” và ăn tiền không, xin thưa: Có. Gần đây nhờ đưa công nghệ VAR- Trợ lý trọng tài Video - đã giúp giảm tải các tiểu xảo, tiêu cực và giúp trọng tài có quyết định chuẩn xác, khi trận đấu diễn ra với tốc độ nhanh mà sự quan sát của mắt thường khó nhận ra.
Nhân mùa bóng đá bàn chuyện trọng tài, người ta lại nhớ đến các bao công thời xưa và thời nay. Với các vụ đại án, theo đó không ít quan chức cỡ bự, nào bộ trưởng, nào bí thư và chủ tịch cấp tỉnh ở địa phương nọ đã phải vào lò bóc lịch. Sự công tâm, khách quan của các bao công “Vua áo đen” và các bao công - trọng tài cuộc đời không có vùng cấm. Ai phạm luật, dù là luật sân cỏ hay luật cuộc đời đều phải bị xử lý nghiêm minh!
Các ông “Vua áo đen”- bao công - trọng tài lấy sự công tâm làm trọng!
PHẠM QUỐC TOÀN