Những đội mạnh như Brazil, Argentina, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha,… dễ thực hành bóng đá thực dụng nhất. Chọn đúng thời điểm để phô bày sự thực dụng tàn nhẫn sẽ có chiến thắng.
Argentina đang có một đội hình cân bằng và tài năng để có thể thực hiện được bóng đá thực dụng khi cần thiết. |
Đôi khi, bước vào World Cup với chuỗi trận khởi động thảm hại, bị dư luận kêu gào lại không phải “tận cùng thế giới” với HLV. Những thứ tiêu cực đó có thể trở thành động lực phấn đấu, dẹp bớt mộng mơ trong đội bóng. Ngăn chặn ảo tưởng về lối chơi đẹp trong đầu HLV, buộc họ phải đi tìm các ý tưởng thực dụng.
Là con đường tiến hóa của bóng đá
Tới nay, người ta thường đồng nghĩa “bóng đá thực dụng” là xấu, tiêu cực, nhàm chán, thiếu sáng tạo, lãng mạn, lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện, chỉ hướng đến kết quả, chiến thắng là trên hết.
Điều này đúng. Với bóng đá, chiến thắng là trên hết. Đồng tác giả của một trận đấu có tỷ số 7-5 sẽ không phải là 2 đội bóng thực dụng. Nhưng tại sao phải cố gắng ghi nhiều bàn vào lưới đối thủ? Tất cả để giành chiến thắng. Theo điều vừa nói trên, đó cũng là thực dụng.
Đầu thế kỷ 20, sơ đồ chiến thuật thịnh hành là 2-3-5, có 2 hậu vệ và 5 tiền đạo. HLV Herbert Chapman mới nghĩ rằng, tại sao phải ghi được nhiều bàn thắng vào lưới đối thủ thì mới thắng?
Để thắng, đội mình chỉ cần có số bàn thua ít hơn đối phương là được. Vậy một đội cần tăng cường hàng thủ để hạn chế bớt bàn thua. Sơ đồ W-M nổi tiếng ra đời, ông Chapman kéo 2 trong số 5 tiền đạo lùi xuống giữa sân.
Nhiều năm sau nữa, lối chơi nổi tiếng “catenaccio” ra đời từ đội bóng bán chuyên Servette ở Thụy Sĩ. HLV của họ, ông Karl Rappan, kéo thêm 2 tiền vệ về phía sau để lập ra hàng hậu vệ 4 người, đá kiểu phòng thủ chặt và phản công. Các cuộc cách mạng về chiến thuật đều bắt đầu theo cách hướng về chủ nghĩa thực dụng.
Thực ra, mọi người hiểu xấu về thực dụng. Chủ nghĩa thực dụng là “đối phó với mọi thứ một cách hợp lý theo cách dựa trên thực tế thay vì xem xét lý thuyết”.
Bóng đá thực dụng không có gì ngoài cách tiếp cận có hệ thống và phương pháp để đạt được kết quả tốt nhất. Trong đó, quan trọng nhất là xem xét điểm yếu, mạnh của đối thủ và bản thân để đề ra cách khai thác tốt nhất.
Các đội chiến thắng là những đội thực dụng
Nhìn lại các World Cup, bóng đá thực dụng thắng thế. HLV ở các CLB có 60 đến 90 ngày trước mỗi mùa bóng để tập luyện, "tỉa tót" từng đường xuống biên, dàn xếp từng quả phạt trước khi giải đấu bắt đầu. Và các cầu thủ được tập với nhau hàng tuần. Trong khi HLV các đội tuyển quốc gia chỉ gặp các cầu thủ của mình vài đợt tập trung đội tuyển hàng năm, ghép đội hình lại thi đấu xong thì ai lại về CLB của người đó.
Những hạn chế đó đương nhiên dẫn đến việc các đội tuyển ưu tiên làm với nhau những điều cơ bản. Và khó bị đánh bại là nền tảng đầu tiên của đội bóng. Như vậy, ưu tiên phòng thủ, chơi chặt chẽ.
HLV Carlos Bilardo được cho là một điển hình của bóng đá thực dụng. Thật ra, ông cũng có những mơ mộng về chiến thuật. Nhưng cuối cùng, nhà cầm quân này nhận ra rằng Diego Maradona có một nguồn năng lượng vô tận truyền sang tất cả đội bóng.
Vì thế, ông chọn cách chơi phòng thủ chặt phía dưới, còn phía trên phục vụ hết mình để Maradona tỏa sáng. Argentina vô địch World Cup 1986 và á quân ở giải đấu 4 năm sau.
HLV Carlos Alberto Parreira ban đầu cũng xây dựng lối chơi của Brazil tại World Cup 1994 quanh tiền vệ Rai. Nhưng bản thân nhận ra lối chơi đó rối rắm quá, điều cần thiết nhất là mang bóng đến chân các tiền đạo Romario và Bebeto thật nhanh. Sau trận đầu, Rai ngồi ghế dự bị cả giải. Brazil vô địch.
4 năm sau, HLV Aime Jacquet đưa ra sân hàng tiền vệ gồm Didier Deschamps, Emmanuel Petit, Patrick Vieira, để nhiều cầu thủ sáng tạo hơn dự bị. Pháp vô địch trên sân nhà. Deschamps lặp lại thủ thuật để giành ngôi sao thứ hai cho "Les Bleus" trong năm 2018, bất chấp một số lời gièm pha nói rằng ông không biết cách đối phó với lứa cầu thủ tài năng mới nhất của Pháp này.
Đội bóng nào sẽ thực dụng nhất?
Xu hướng này tiếp tục ở các giải Euro khi nhiều người hâm mộ nói Đan Mạch, Hy Lạp và Bồ Đào Nha không xứng đáng giành cúp. Ngay cả đội bóng vĩ đại Tây Ban Nha với 3 chiếc cúp giải lớn liên tiếp 2008, 2010 và 2012 bắt đầu thời kỳ thống trị bằng phòng thủ.
Tại Euro 2008, HLV Luis Aragones sử dụng tiki-taka để cầm thật nhiều bóng, mục đích là làm an toàn cho phòng tuyến. 2 năm sau, đội Tây Ban Nha của HLV Vicente Del Bosque vô địch với vỏn vẹn 8 bàn thắng ghi trong 7 trận đấu.
Joachim Low tiếp quản đội tuyển Đức sau khi đóng vai trò trợ lý cho Jurgen Klinsmann tại World Cup 2006. Nhưng ngày càng có nhiều nghi ngờ rằng ông không phải là người dẫn dắt "Die Mannschaft" đến thành công.
Dưới thời Low, một đội bóng tài năng của Đức thất bại trước Tây Ban Nha của Aragones trong trận chung kết Euro 2008, và sau đó thua ở bán kết giải đấu năm 2010 và 2012.
Đây là đội bóng Đức bùng nổ tài năng tấn công, nhưng Low nhận ra rằng chính sự ngây thơ bản thân khiến họ phải trả giá. Ông phải thực dụng hơn để giành chiến thắng, với cách tiếp cận cân bằng hơn khi dẫn dắt đội bóng của mình đến vinh quang tại World Cup 2014.
Chủ nghĩa thực dụng có vẻ đẹp riêng của nó. Chỉ là vấn đề sở thích cá nhân của người hâm mộ về cách xem và cảm nhận bóng đá. Một bàn thắng bằng pha phản công qua 2 đường chuyền không hẳn là xấu. Bàn thắng được ghi sau 25 lần chạm bóng chưa hẳn là hoàn mỹ.
Đội nào có thể thực thi được bóng đá thực dụng để giành chiến thắng tại World Cup 2022? Những đội mạnh nhất có nhiều cơ hội. Ví dụ, đó là Brazil, Argentina, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha… Họ có khả năng ghi bàn sau 25 lần chạm bóng, đồng thời thực hiện được đường phản công sau 2 đường chuyền. Vấn đề là các đội tuyển quốc gia này phải chọn đúng lúc và thời điểm cần làm gì.
CHÍNH PHONG